Dự án triệu đô bị bỏ hoang

Phạm Hưởng - P.Mai 08/06/2015 13:00

Dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc và đại gia súc theo công nghệ Úc tại xã Ia Pếch, huyện Ia Grai (Gia Lai) hứa hẹn nhiều đổi thay cho vùng đất nghèo. Thế nhưng, trái với sự mong đợi của người dân, dự án chưa kịp cho ra sản phẩm thì đã "chết yểu”, khiến 200 ha đất dự án bị bỏ hoang và để lại nhiều hệ lụy cho người dân.

Dự án triệu đô bị bỏ hoang
3 con bò bằng xi măng được chủ đầu tư xây trước cổng

Dân dính bẫy

Công ty Đồng Xanh (Công ty) được thành lập ngày 7-12-2014, trụ sở đóng tại đường Trường Chinh, TP. Pleiku do ông Phạm Văn Khoa (quốc tịch Úc) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị với 100% vốn nước ngoài. Năm 2008, Công ty làm giấy phép đầu tư dự án nuôi bò với tổng vốn là 4,5 triệu USD (tương đương 70 tỷ đồng) tại xã Ia Pếch, huyện Ia Grai. Dự án "đẹp như mơ” ngay lập tức được UBND tỉnh Gia Lai cấp giấy phép và 200 ha đất để triển khai xây dựng.

Theo lộ trình, giai đoạn 2005-2007, doanh nghiệp này đầu tư hệ thống văn phòng làm việc, xây dựng đồng cỏ, chuồng trại đảm bảo quy mô nuôi 1.242 con bò sữa, 1.984 con bò thịt, 2.747 con dê. Từ năm 2007 trở về sau sẽ đầu tư xây dựng hệ thống giết mổ và máy chế biến thực phẩm; hệ thống vắt sữa tự động; nhà máy đóng sữa tươi và kho hộp; nhà máy chế biến thức ăn gia súc…, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động.

Tất cả các vấn đề mà người dân lo ngại như đền bù đất đai, ảnh hưởng của dự án đến môi trường, công ăn việc làm của con em khi đất bị thu hồi đều được ông Phạm Văn Khoa hứa hẹn giải quyết thỏa đáng. Vì vậy, người dân và chính quyền địa phương rất ủng hộ, tạo điều kiện cho dự án sớm được triển khai với hi vọng đời sống người dân và bộ mặt nông thôn ở vùng đất nghèo sẽ có những đổi thay mới. Thế nhưng, đã 7 năm nay, dự án vẫn án binh bất động và người dân phải chịu những thiệt hại rất lớn.

Tay không "bắt giặc”

Theo quan sát của chúng tôi, 200 ha đất được cấp để xây dựng dự án, hiện thời là bãi đất hoang rộng bao la, chỉ xây được một ít tường bao và 3 con bò bằng đá trước cổng thay cho hàng nghìn con bò thật như dự án đã vẽ ra trước đó.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng dự án triệu đô, ông Siu Thuyn, Chủ tịch xã Ia Pếch dừng lại ở khu vực mương dẫn nước của dự án và cho biết: "Ban đầu, Công ty cho đào một đường mương bao quanh dự án để thoát nước. Nhưng điểm cuối của đường mương này lại xả nước vào cánh đồng lúa và rẫy cà phê của 3 thôn trong xã. Dẫn đến những thiệt hại rất lớn cho bà con trong 7 năm qua”. Nguy hiểm hơn là hệ thống đường mương đã bị sói lở, nhiều điểm tạo thành những hố sâu trên 15m, rộng gần 20m, khi mưa xuống trở thành cái bẫy chết người.

Ông Siu Blêng (59 tuổi), một người dân trong xã bức xúc: "Tôi có đất nằm trong dự án, khi dự án triển khai tôi đã giao đất cho họ và chỉ nhận có 300 nghìn tiền đền bù. Đất thì đã giao, số đất còn lại bị nước ở con mương trong dự án xả vào cây cối cũng bị chết hết”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Phạm Văn Khoa xây dựng lên dự án triệu đô nhưng trong tay không hề có vốn. Ông Khoa đã huy động góp vốn từ bà con trong xã và có người đã bị lừa mất tiền tỷ vì tin vào cái mác "dự án lớn đã được tỉnh cấp phép”. "Mỗi lần ông Khoa về nước ông ấy không có tiền, tôi bỏ tiền ra thuê xe, thuê khách sạn, lo ăn uống hết. Tiền tôi góp đã lên đến tiền tỷ. Khi tôi nhận ra ông Khoa không có khả năng thì cũng là lúc ông ấy đã cao chạy xa bay”, bà Lê Thị Tuyết Hà, nạn nhân mất tiền vì dự án "dởm” cho hay.

Được biết, 3 năm sau khi dự án được cấp phép đầu tư nhưng không thực hiện đã bị UBND tỉnh Gia Lai thu hồi dự án. Nhưng đến nay, 200 ha đất dự án vẫn đang là đất hoang, trong khi người dân xã Ia Pếch, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thiếu đất sản xuất.

Phạm Hưởng - P.Mai