MTTQ tỉnh Phú Thọ: Tăng cường giám sát kinh doanh vật tư nông nghiệp

Anh Vũ 09/06/2015 10:51

Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có khoảng 703 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), 472 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thủy sản, 525 cơ sở kinh doanh phân bón. Bên cạnh các cơ sở chấp hành tốt các quy định về sản xuất, kinh doanh thì vẫn còn các hộ kinh doanh đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả gây thiệt hại cho người nông dân.

MTTQ tỉnh Phú Thọ: Tăng cường giám sát kinh doanh vật tư nông nghiệp

Đoàn giám sát của Ban thường trực UBMTTQ tỉnh Phú Thọ
kiểm tra tại huyện Thanh Thủy

Ảnh:Nguyễn Liên

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từng bước đưa hoạt động sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp của các tổ chức cá nhân đi vào nền nếp, ổn định thị trường, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh Phú Thọ sau khi thống nhất giữa các tổ chức đoàn thể và các cơ quan liên quan đã thành lập đoàn giám sát, tiến hành giám sát tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Đoàn đã tiến hành kiểm tra việc hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp tại huyện Hạ Hòa, nơi sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế với nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, thủy sản rất lớn. Qua kiểm tra giám sát hầu hết các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện đều chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong kinh doanh, đa số các mặt hàng đều có nhãn mác đầy đủ, nằm trong danh mục được phép kinh doanh.

Tại huyện Thanh Thủy, Đoàn giám sát cũng đã kiểm tra với 24 hộ kinh doanh phân bón, 9 hộ kinh doanh TBVTV, 23 hộ kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi. Kết quả cho thấy các cơ sở kinh doanh đều được cấp chứng chỉ kinh doanh theo đúng ngành nghề đăng ký và quan tâm đến chất lượng hàng hóa, giá cả của sản phẩm. Bên cạnh đó đa số các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện đã áp dụng chặt chẽ các quy định của Nhà nước về điều kiện sản xuất kinh doanh, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa...

Tuy nhiên, theo kết quả của đoàn giám sát thì phần lớn các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp do điều kiện cửa hàng chật hẹp nên không có kho, quầy hàng riêng, chưa có chỗ thu gom rác cũng như các điều kiện đảm bảo về môi trường. Qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn Đoàn đã phát hiện 9 cơ sở vi phạm, xử phạt gần 14 triệu đồng nộp ngân sách.

Cùng với hoạt động kiểm tra giám sát của MTTQ tỉnh, trong giai đoạn 2012-2014, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan đã triển khai 14 cuộc thanh tra, qua đó đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm đối với 80 tổ chức, cá nhân. Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 335 vụ và phát hiện xử lý 124 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định về nhãn mác, về đo lường… trong đó vi phạm trong kinh doanh thuốc BVTV 45 vụ, thức ăn chăn nuôi và thủy sản 64 vụ, phân bón 15 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước trên 345 triệu đồng.

Theo Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Phú Thọ Trần Phù Tiêu, việc thực hiện pháp luật về kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi và thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật chưa thường xuyên, cùng với đó văn bản quy phạm pháp luật thay đổi nhiều lần làm ảnh hưởng đến quá trình tổ chức triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra.

“Lực lượng kiểm tra kiểm soát mỏng, phương tiện, trang thiết bị phục vụ thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Một số người dân chưa hiểu hết các quy định của pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật hạn chế nên còn tồn tại nhiều sản phẩm phân bón chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố, thuốc BVTV ghi nhãn hàng hóa không đúng, thuốc hết hạn sử dụng”, ông Tiêu cho biết.

Để tăng cường hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý mua bán, kinh doanh vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng ông Trần Phù Tiêu cho rằng, cần từng bước hoàn chỉnh hệ thống văn bản tạo sự đồng bộ để triển khai có hiệu quả. Cùng với đó quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng đến người dân để thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật. Đặc biệt cần quản lý việc cấp phép đăng ký kinh doanh, tăng cường công tác phối hợp liên ngành, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, kiên quyết xử lý, đình chỉ kinh doanh với các cơ sở không đảm bảo các điều kiện, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và từng bước đưa hoạt động sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp đi vào nền nếp, ổn định thị trường.

Anh Vũ