Doanh nghiệp thủy sản: Nỗ lực để khẳng định

H.Hương 17/06/2015 11:04

Trong 10 năm trở lại đây xuất khẩu thủy sản Việt Nam liên tục phát triển. Nhưng trong bản thân khối DN này vẫn tự nhận thấy còn nhiều điểm yếu.

Doanh nghiệp thủy sản: Nỗ lực để khẳng định

Thủy sản xuất khẩu vẫn gặp những rào cản thương mại tại những thị trường lớn

Thời gian gần đây câu chuyện về thương hiệu, nhãn mác… đã bắt đầu được DN trong kinh doanh thủy sản tổng hợp chú ý, mục đích xây dựng hình ảnh chung sản phẩm thủy sản Việt Nam. Chuỗi cung ứng cho ngành này khá nhiều công đoạn, có thể kể đến: sản xuất giống, thức ăn và các đầu vào phục vụ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; các hoạt động trung gian (trung chuyển, vận chuyển, thu gom, sơ chế…); chế biến (phi-lê đông lạnh, sản xuất đồ ăn…); tiêu thụ. Tuy nhiên sự liên kết của các chủ thể trong chuỗi giá trị ngành thủy sản chưa chặt chẽ, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh vẫn xảy ra.

Một báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với chủ đề Phát triển DN trong kinh doanh nông nghiệp, đã chỉ ra 8 điểm yếu của DN thủy sản: Sản xuất và nuôi theo quy mô nhỏ, khả năng tổ chức liên kết chưa cao; giá trị gia tăng thấp do Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm dưới dạng nguyên liệu thô; chất lượng sản phẩm chưa đồng nhất; khả năng kiểm soát dịch bệnh còn thấp và chưa có giải pháp toàn diện cho việc này; thiếu sự hợp tác giữa các nhà xuất khẩu; kỹ năng bán hàng, tiếp thị sản phẩm chưa tốt. Mặc dù đã có nhiều quy hoạch phát triển từ tổng thể đến chi tiết , từ cấp quốc gia đến địa phương tuy nhiên do nhiều nguyên nhân (thiếu nguồn lực thực hiện quy hoạch, khả năng cưỡng chế thấp; nhiều quy hoạch thiếu tính thực tiễn ...) nên đến nay sự phát triển chung của ngành thủy sản vẫn đang bị đánh giá là thiếu bền vững; Đặc biệt, điểm quan trọng nữa là thiếu vốn đầu tư. Điểm yếu này kéo theo việc rất khó để các doanh nghiệp tiếp cận đầu tư bài bản, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường cao cấp.

Theo số liệu nghiên cứu của Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư cho ngành thủy sản đã tăng từ 1.800 tỷ đồng (năm 2006) lên 2.500 tỷ đồng (năm 2010). Vốn đầu tư cho ngành thủy sản cao mang lại hiệu quả gấp 2,2-2,5 lần so với mức bình quân của nền kinh tế, song tổng mức đầu tư nhỏ và đang có xu hướng giảm.

Trong khi đó một thống kê khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ ra tính đến hết năm 2013, cả nước có khoảng 70 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực nuôi, chế biến, thức ăn và giống thủy sản với tổng vốn đầu tư trên 310 triệu USD. Ông Chu Tiến Vĩnh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, rủi ro lớn, chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn là nguyên nhân khiến DN trong và ngoài nước chưa mặn mà đầu tư vào ngành thủy sản. Nếu có đầu tư, thì cũng chỉ vào những phân khúc “hớt váng” như thương mại thủy sản, thức ăn thủy sản. Hiện vốn đầu tư cho ngành thủy sản vẫn trông cậy chính vào đầu tư công.

Mặc dù vậy, đầu tư công vào lĩnh vực thủy sản thời gian qua cũng chưa xứng tầm. Giai đoạn 2006 - 2010, đầu tư cho thủy sản chiếm gần 3% tổng vốn đầu tư toàn ngành nông nghiệp. Hiện nay, tỷ lệ này đã được cải thiện, song vẫn còn thấp.

Việt Nam đã chính thức ký kết 10 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 6 FTA đa phương và 4 FTA song phương. Đây được nhìn nhận là cơ hội lớn cho ngành thủy sản Việt Nam. DN thủy sản có rất nhiều thời cơ để khẳng định mình. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp thủy sản thay đổi tư duy làm ăn, từ cạnh tranh bằng giá nay cạnh tranh bằng chất lượng. Không sử dụng các loại hóa chất cấm, hoặc lạm dụng hóa chất trong quá trình nuôi, bảo quản, chế biến và bắt đầu kiểm soát nguồn nguyên liệu trước khi chế biến bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến. Tùy theo quy mô sản xuất, cơ sở hạ tầng và trình độ kỹ thuật để ứng dụng các quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến như Quy phạm Quản lý tốt hơn (BMP), Quy phạm thực hành nuôi tốt (GAP) và các tiêu chuẩn quốc tế khác…

Riêng về việc thu hút mạnh vốn đầu tư tư nhân và vốn FDI vào lĩnh vực thủy sản, theo khuyến nghị của các chuyên gia, địa phương cần có định hướng dài hạn về thu hút đầu tư vào ngành thủy sản. Đồng thời, cần liên kết vùng trong xúc tiến đầu tư để tạo ra tác động lớn hơn

H.Hương