Hy Lạp: Câu chuyện đang đến hồi kết?
Các vòng đàm phán mới nhất giữa chính phủ Hy Lạp và giới lãnh đạo châu Âu vẫn bế tắc, trong khi các cuộc đàm phán với các chủ nợ quốc tế trong suốt nhiều tháng qua cũng chỉ là một vòng luẩn quẩn. Hiện Athens cần có nguồn tiền vào cuối tháng để có thể chi trả các khoản nợ bằng không sẽ vỡ nợ và nước này phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung.
Tuần này được coi là khoảng thời gian quyết định đối với số phận của Hy Lạp trong khối đồng tiền chung châu Âu
Khoản vay này từ đâu mà có? Sau các gói cứu trợ bơm cho Hy Lạp hồi năm 2010 và 2012, nước này nợ tiền của Nhóm Brussels – gồm IMF, Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Nhóm này cũng dự kiến sẽ tiếp tục chuyển gói tín dụng 7,2 tỷ Euro cho Athens, nhưng hiện vướng mắc do nhóm này yêu cầu chính phủ Hy Lạp cải cách để đổi lại gói tín dụng cuối cùng này.
Vướng mắc ở chỗ, Chính phủ Hy Lạp, đứng đầu là Thủ tướng Alexis Tsipras, phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng” mà các chủ nợ yêu cầu, cho rằng nó quá hà khắc và yêu cầu gia hạn thêm thời hạn khoản nợ khổng lồ này. Lý do phản ứng của ông Tspipras hết sức đơn giản: Ông lên nắm quyền lực chính là nhờ có tư tưởng phản đối các biện pháp cải cách khắc khổ mà các chủ nợ yêu cầu. Bởi vậy, Athens hiện từ chối chấp nhận các biện pháp mà chủ nợ đề ra như cắt giảm chi tiêu, tăng thuế…nhằm tăng khoản thặng dư ngân sách.
Hiện nay, quan điểm của Athens là chỉ chấp nhận thương thảo về các yêu cầu của chủ nợ quốc tế trong việc giảm nợ hoặc kéo dài thời hạn trả nợ. Tuy nhiên đề xuất này bị vấp phải sự phản đối cực lực từ Đức, nước đóng góp lớn nhất vào gói cứu trợ trị giá 240 tỷ Euro cho Hy Lạp.
Các cuộc thảo luận chóng vánh giữa Athens và giới lãnh đạo châu Âu cuối tuần qua đã sụp đổ chỉ trong vỏn vẹn 45 phút. Ông Tsipras khẳng định rằng sẽ còn tiếp tục phản đối các yêu cầu tăng thuế và cắt giảm lương hưu mà các chủ nợ đề ra. Trong bối cảnh đó, IMF đã đưa ra đề xuất mới cho cả hai bên, trong đó đề nghị Brussels nên chuẩn bị gia tăng thời hạn trả nợ cho Hy Lạp, chấp nhận cải cách hạn chế ở nước này và giảm tỷ lệ lãi suất. Nhưng đề xuất này cũng đòi hỏi Athens phải cắt giảm thêm lương hưu và loại bỏ việc miễn thuế giá trị gia tăng.
Thời gian đếm ngược
Sự bế tắc này đòi hỏi châu Âu phải có biện pháp giải quyết lập tức. Trong ngày hôm nay, ECB có cuộc họp để thảo luận về việc liệu có nên mở rộng Quỹ Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho Hy Lạp hay không. Từ trước đến nay, ECB đã hỗ trợ kiểu nhỏ giọt cho các ngân hàng Hy Lạp khi họ phải đối phó với các khoản tiền gửi bất ổn mà nguyên nhân là do người dân Hy Lạp quá lo sợ về khoản tiền tiết kiệm của họ nên hoặc rút hết tiền khỏi ngân hàng hoặc đem tiền ra nước ngoài sinh sống.
Tuy nhiên, sự cứu giúp như vậy không thể tồn tại được lâu bởi ECB đang chịu sức ép rất lớn phải ngừng hỗ trợ các ngân hàng theo kiểu này. Do đó, vào ngày 18-6, các Bộ trưởng Tài chính của Eurozone sẽ tiếp tục nhóm họp ở Luxembourg để thảo luận về vấn đề này.
Qua hơn 5 tháng luẩn quẩn trong các vòng đàm phán không có kết quả, những cụm từ như "thời hạn cuối cùng” hay "thời điểm quyết định”…liên tục xuất hiện trên các hãng tin phương Tây khi đề cập đến vấn đề Hy Lạp. Nhưng lần này lại khác, câu chuyện có thể thực sự ngã ngũ nếu như Athens không có khả năng trả nợ đúng hạn vào cuối tháng này.
Trong khi đó, tình trạng của Hy Lạp hiện tại cũng hết sức đáng báo động khi nền kinh tế lại một lần nữa rơi vào tình trạng suy thoái. Các nhà đầu tư nước ngoài do lo ngại đã không còn hứng thú đầu tư vào Hy Lạp, trong khi xuất nhập khẩu giảm mạnh khiến GDP của nước này giảm 0,2% ngay trong quý đầu tiên. Trước đó GDP của Hy Lạp cũng giảm 0,4% trong các tháng cuối năm 2014. Tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp hiện đang ở mức cao nhất trong khối đồng tiền chung châu Âu - 25% - trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên đến trên 50%.
Có ra khỏi Eurozone?
Hy Lạp không tự động rời khỏi Eurozone ngay cả khi họ không trả nổi khoản nợ, tức vỡ nợ. Một số nhà phân tích cho hay tất cả các bên đều muốn tránh cái mà họ gọi là "Grexit” – chỉ việc Hy Lạp rời khỏi khối đồng tiền chung.
Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng Hy Lạp sẽ cần sự hỗ trợ của các nước nhằm tái cấu trúc nguồn vốn của các ngân hàng trong nước sau khi vỡ nợ. Nguyên nhân là do các ngân hàng này sở hữu một số lượng đáng kể trái phiếu chính phủ và chắc chắn số trái phiếu này sẽ mất giá trị sau khi Hy Lạp vỡ nợ. Các ngân hàng này còn sử dụng trái phiếu chính phủ để gây quỹ ở ECB, nhưng việc này là không thể nếu Hy Lạp vỡ nợ.
Tất cả điều đó đều có thể khiến Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung. Một khi các đối tác châu Âu không giúp tái cấu trúc vốn các ngân hàng trong nước.