Án lệ
Nước ta có nên chấp nhận chế định án lệ trong xét xử không? Nếu chấp nhận thì nội hàm, quy trình, thủ tục xét xử theo án lệ là như thế nào? Đây là những câu hỏi làm nóng không khí hội trường khi Quốc hội thảo luận Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi. Đây là vấn đề cũ, vì nó đã được đề cập đến trong nhiều năm trước đây, khi bàn đến vấn đề bảo vệ nền Pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đây cũng là vấn đề mới vì nó được nêu ra khi việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân được nhấn mạnh trong Hiến p
Để có sự giải đáp thỏa đáng các câu hỏi đã nêu, không thể không xem xét đến nguồn gốc làm nẩy sinh chế định án lệ.
“Tòa án không được từ chối xét xử với lý do không có quy định của luật” là nguyên tắc được hầu hết các nước trên thế giới công nhận. Công lý phải là nền công lý phổ biến, dễ tiếp cận, dễ cầu viện mới là nền công lý về thực chất. Ngược lại là công lý hình thức. Khi người dân cầu viện công lý nhưng Tòa án từ chối vì không có điều luật để xét xử thì điều đó đồng nghĩa không có công lý. Xã hội không có công lý là xã hội hỗn mang.
Các nhà lãnh đạo anh minh luôn quan tâm đến việc thiết lập nền công lý theo ba tiêu chí đã nêu. Chỉ cần nhìn vào thực trạng công lý của một đất nước là có thể đánh giá được trình độ văn minh của xứ sở đó.
Một trong những phương hướng để đảm bảo được việc thiết lập và vận hành nền công lý theo đúng ba tiêu chí của nó là không ngừng hoàn thiện nền luật pháp. Quốc hội nước ta đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thiện nền luật pháp theo nguyên tắc “Sống theo pháp luật”. Muốn mọi người tuân theo pháp luật thì trước tiên phải có đủ pháp luật để theo. Nhưng cuộc sống là sôi động, luôn có nhưng cái cũ mất đi, luôn có những cái mới nảy sinh. Do vậy không một nhà làm luật nào có thể dự kiến viết ra hết những điều luật để điều chỉnh mọi hành vi của con người. Chế định án lệ ra đời là nhằm khắc phục bất cập này của pháp luật.
Xu thế cần phải áp dụng chế định án lệ trong xét xử nay đã được chấp nhận. Ở Việt Nam, chế định án lệ đã được chấp nhận trong pháp luật cổ. Pháp luật dưới thời kỳ Lê Thánh Tông, thế kỷ thứ XV, có thể nói, đã phát triển ở trình độ cao. Bộ luật Hồng Đức được chuyên gia trong nước và nước ngoài đánh giá là kiệt tác về di sản văn hóa pháp lý Việt Nam. Đồng thời khi vận dụng, vua Lê Thánh Tông cho áp dụng rộng rãi chế định án lệ. Đó là những bản án do Vua trực tiếp xét xử hoặc do các quan xét xử khi chưa có sự quy định của Bộ luật Hồng Đức được trình lên Vua và đã được Vua chuẩn y. Tuy vậy, dư luận còn băn khoăn, lo lắng nếu căn cứ áp dụng án lệ chưa được quy định rõ thì dễ sinh tùy tiện trong xác lập công lý.
Thực tiễn của nhiều nước đã nêu ra một số căn cứ khoa học, thực tiễn khi áp dụng án lệ như sau: 1) Tìm kiếm điều luật tương tự để áp dụng; 2) Khi không tìm được điều luật tương tự thì vận dụng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án tối cao về vụ việc có nội dung tương tự để phán quyết; 3) Nếu không có hai trường hợp đã nêu thì vận dụng thuần phong, mỹ tục của dân tộc, của nhân dân địa phương để phán quyết. 4) Nếu cả ba trường hợp nêu trên không có thì Thẩm phán có thể vận dụng lương tri, nội tâm của thẩm phán theo lẽ công bằng mà phán quyết. Riêng đối với điều kiện thứ 4, có người sợ rằng khó đảm bảo công lý vì lương tri, nội tâm của các thẩm phán khác nhau thì phán quyết khác nhau. Điều này không đáng lo vì bản án được phán quyết theo án lệ có thể bị hủy, bị sửa đổi nếu không phù hợp với công lý.
Để thống nhất cách vận dụng án lệ, có ý kiến đề xuất là ở Tòa án cấp tỉnh và Tòa án tối cao cần thành lập “Hội đồng tuyển chọn án lệ” bao gồm các thành viên của Hội đồng thẩm phán và một số cán bộ khoa học.
Ý kiến trên đây không hợp lý vì nó trái với các nguyên tắc sau đây:
1) Tòa án độc lập khi xét xử. Án lệ không phải là luật. Án lệ là để tham khảo. Thẩm phán có thể không tuân theo án lệ. Việc bắt buộc thẩm phán tuân theo án lệ là không đúng với nguyên tắc độc lập trong xét xử;
2) Tòa án các cấp không có quyền lập pháp. Tòa án tối cao có thể ban hành những văn bản hướng dẫn các tòa án cách vận dụng pháp luật trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm xét xử. Đây là nhiệm vụ chính của Tòa án, đặc biệt là của TAND tối cao.
3) Việc thành lập Hội đồng tuyển chọn án lệ không được quy định trong Luật về Tòa án. Hơn nữa nó làm tăng thêm sự cồng kềnh, trùng lặp về chức năng nhiệm vụ.
Tóm lại một bản án có thể trở thành án lệ hay không là tùy theo sự đánh giá của các thẩm phán. Nhiệm vụ của TATC là công bố các bản án đã có hiệu lực pháp luật, kịp thời tổng kết và công bố rộng rãi những bản án đã có hiệu lực pháp luật cho công chúng biết. Tòa án tối cao cũng có thể công bố những bản án bị hủy vì vận dụng sai pháp luật. Đây là cách công khai hóa, minh bạch hóa hoạt động của Tòa án. Đây cũng là cách nâng cao kiến thức về pháp luật cho các sinh viên luật và dân chúng.
Xung quanh vấn đề án lệ còn có nhiều điều đòi hỏi các nhà khoa học pháp lý và các nhà làm công tác thực tiễn trong ngành tư pháp có sự nghiên cứu sâu hơn mới có thể khắc phục được phần nào những khiếm khuyết bất cập nói trên của pháp luật. Các nước có nền pháp luật phát triển nhất cũng đang ra sức nghiên cứu để hoàn thiện chế định về án lệ ở nước họ.