Mùa hè với “học kỳ”... nông dân

Nhã Phương 19/06/2015 13:23

Trẻ em thành phố thường bỡ ngỡ về thế giới xung quanh, nhất là về thế giới tự nhiên, về những phong cảnh làng quê. Nhiều học sinh cấp 2, cấp 3 ở các thành phố lớn chỉ biết đến con lợn, gà, trâu, bò qua sách vở, không biết trồng cây, không phân biệt được các loại rau củ quả... Kỳ nghỉ hè, bên cạnh những lớp học trên chùa, lớp học làm chiến sỹ..., nhiều phụ huynh lựa chọn “lớp học” làm... nông dân để các em hiểu thêm về cuộc sống, có thêm những trải nghiệm thú vị về làng quê thay vì chỉ biết đến b

Những hoạt động ngoại khóa của học sinh tại Trang trại Đồng quê

Hóa thân thành “nông dân nhí”

Với sáu lần trải nghiệm thực tế tại Erahouse, em Nguyễn Thanh Bình, lớp 3B, Trưởng tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) xứng đáng được coi là một “kỷ lục gia”. Mỗi lần trải nghiệm, Bình tìm thấy những điều thú vị khác nhau ở Trang trại Đồng Quê này mà bình thường em hiếm khi có được. Đó là được hóa thân thành những bác nông dân, tham gia vắt sữa bò, trồng cây, cho vịt ăn… Cậu bé cũng reo lên vui sướng mỗi khi thấy chú vịt lặn ngụp để tìm thóc mà đích thân cậu rắc cho chúng ăn. Bình còn được soi kính hiển vi và thấy rất nhiều con vi khuẩn khác nhau. Chị Nguyễn Thanh Hoà, phụ huynh của em Bình cho biết, nghỉ hè, chứng kiến nhiều gia đình cho con về quê chị thấy rất “thèm”, vì chị muốn bọn trẻ hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống. Nhưng ông bà nội ngoại đều ở Hà Nội, chị thấy mô hình trải nghiệm cuộc sống nông thôn rất thú vị nên cho con đi. Thấy cháu say mê khám phá gia đình rất phấn khởi, ông bà còn cho tiền để cháu chuẩn bị... đi tiếp.

Gia đình chị Nguyễn Thanh Hoà chỉ là một trong số rất nhiều người tranh thủ dịp hè cho con cái có những trải nghiệm về cuộc sống nông thôn. Những khu đô thị của Hà Nội đang ngày càng mở rộng, không gian sinh hoạt cộng đồng bị thu hẹp, trẻ con chỉ loanh quanh với mấy bức tường, với chiếc ti vi hay điện thoại, máy tính. Không gian nông thôn ngày càng bị đẩy ra xa khu trung tâm. Điều này đồng nghĩa việc tiếp cận và hiểu hơn về cuộc sống xung quanh, nhất là môi trường tự nhiên, các con vật, cây cối, đời sống người nông dân... là điều quá xa vời. Những gia đình có họ hàng ở quê có thể gửi con về với ông bà, chú bác. Nhưng những người không có họ hàng ở quê thì... “bó tay toàn tập”. Rất nhiều vị phụ huynh muốn thấy con mình cầm chiếc diều chạy trên cánh đồng, hay trên triền đê mà không thể thực hiện. Tiến sỹ điều khiển học Ngô Kiều Oanh sớm nhìn ra vấn đề này. Trẻ em cần có thêm những không gian mở, để có thể có những trải nghiệm, để hiểu thêm về cuộc sống. Bà là người đầu tiên mở ra mô hình du lịch nông nghiệp ở Ba Vì (Hà Nội), đó là Trang trại Đồng Quê. Một mũi tên trúng nhiều đích, vừa phát triển kinh tế vùng núi Ba Vì, vừa góp phần bảo tồn văn hoá, đồng thời, tạo cơ hội cho mọi người tìm hiểu văn hoá gốc của Việt Nam - nông nghiệp, nhất là các em học sinh.

Trang trại Đồng Quê hình thành từ năm 2008. Từ đó đến nay, dù nhiều đối tượng khác nhau đến với trang trại, nhưng đông nhất vẫn là các em học sinh. Các trường tiểu học, trung học cơ sở ở nội thành thường tổ chức những đoàn lớn, vừa tham quan, vừa là giờ học ngoại khóa về cuộc sống nông thôn, về sinh học... cho các em. Hiện nay, đã có thêm nhiều mô hình tương tự, giúp các bậc phụ huynh có thể dễ dàng cho con em mình... làm nông dân như: Eco Garden Thái Dương (huyện Chương Mỹ), Công viên Nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn)... hay Erahouse ở ngay nội thành - quận Long Biên.

Cần giáo dục… cảm xúc

Chương trình Đổi mới cơ bản, toàn diện nền giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trở lên quá quen thuộc và đã được triển khai tới nhiều cấp học trên cả nước. Tuy nhiên, đổi mới đến đâu, bằng biện pháp nào thì nhiều cấp học trên cả nước vẫn lúng túng. Khi nói về Trang trại Đồng Quê, nhiều người vẫn chưa hình dung hết, và vẫn nghĩ đây đơn thuần là một khu du lịch như bao khu du lịch sinh thái khác. Nhưng Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh, Giám đốc Trang trại Đồng Quê hướng đến cái đích lâu dài hơn. Bà cho biết: “Từ lâu chúng ta đều biết kiểu dạy, học nhồi nhét và thuộc vẹt. Kiểu học đó sẽ triệt tiêu năng lực tư duy, đặc biệt là tư duy sáng tạo và sẽ phá hủy mảnh đất ươm trồng trí tưởng tượng. Vừa học, vừa chơi, kiến thức mới được thấm nhuần. Những hoạt động vui chơi ngoài tự nhiên sẽ tạo cho em những cảm xúc khác nhau về thế giới chung quanh, cảm xúc này sẽ nuôi dưỡng trí tưởng tượng, dẫn đến những ý tưởng của trẻ nhỏ. Xuất phát từ tư tưởng này, chúng tôi xây dựng Trang trại Đồng Quê với hình thức giáo dục đặc thù mang tính trải nghiệm và san sẻ tri thức. Đối tượng mà Trang trại Đồng Quê từ lâu đã hướng đến các trường học nhất là cấp mẫu giáo và phổ thông”.

Mùa hè đến, nhiều bậc phụ huynh lo không kém... mùa thi, vì phải tìm hình thức giáo dục, nghỉ ngơi thế nào cho phù hợp. Những lớp học trong nhà chùa được mở ra. Một số đơn vị quân đội cũng mở các lớp “tập làm chiến sỹ” cho các em nhỏ. Nhìn chung, các lớp học này đều đem lại những lợi ích thiết thực, khi trẻ được hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống. Lớp học “làm nông dân” ở các khu du lịch nông nghiệp, các trang trại nông nghiệp đem đến thêm sự lựa chọn cho các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh, các cơ quan quản lý nếu không có những chính sách hỗ trợ thì hình thức du lịch dã ngoại sẽ lấn át, lợi nhuận của các công ty du lịch sẽ được chú trọng chứ không phải vì những kiến thức mà học sinh gặt hái được từ thực tế.

Nhã Phương