Thực phẩm nhập khẩu: Vẫn không an toàn
Thực phẩm nhập khẩu đang trở thành mối lo cho nhà quản lý và người tiêu dùng. Lý do, thời gian qua cơ quan chức năng liên tục phát hiện hàng loạt vụ việc, lô hàng không đảm bảo chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: “Hoạt động nhập khẩu thực phẩm không chất lượng qua biên giới đang diễn biến phức tạp. Người tiêu dùng trong nước không tránh khỏi tình trạng mất tiền nhưng mua phải thực phẩm nguy hiểm”.
Xí muội và một số mứt hoa quả nhập khẩu tiểu ngạch được liệt kê vào danh sách thực phẩm mất an toàn
Theo cơ quan chức năng, mỗi năm thế giới có khoảng 40 triệu vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Riêng khu vực châu Á chiếm tới 50% tổng vụ. Nguyên nhân của thực trạng tràn lan thực phẩm kém an toàn phân tán mạnh là do khoa học công nghệ ngày càng tiên tiến, hệ thống giao thông hoàn thiện.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, không chỉ thực phẩm sản xuất trong nước vi phạm vệ sinh, thực phẩm nhập khẩu cũng đối diện với nguy cơ cao về an toàn. “Hoạt động nhập khẩu thực phẩm không chất lượng qua biên giới đang diễn biến phức tạp. Người tiêu dùng trong nước không tránh khỏi tình trạng mất tiền nhưng mua phải thực phẩm nguy hiểm”, ông Hùng nhấn mạnh. Lý giải về thực trạng trên ông Hùng dẫn chứng, lục phủ ngũ tạng động vật, trứng, gia cầm, hoa quả… không an toàn từ bên ngoài hàng ngày vẫn âm thầm vào Việt Nam. Bằng chứng, cơ quan chức năng Việt Nam liên tục phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm gây chấn động dư luận. Cụ thể, sữa nhiễm Melamine có nguồn gốc từ Trung Quốc; thạch rau câu có chức chất phụ gia DEHP, hạt trân châu có chứa axit maleic (chất gây suy thận) có nguồn gốc từ Đài Loan; hàng chục tấn thị bò Úc, Canada hết hạn gần 2 năm…
Liên quan đến thực phẩm nhập khẩu bẩn, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chi cục phó Chi cục VSATTP TP.HCM cho hay, thực phẩm nhập khẩu đang trở thành mối lo cho nhà quản lý và người tiêu dùng. Bởi thực tế, Chi cục VSATTP thành phố liên tục phát hiện nhiều vụ thực phẩm không nguồn gốc, chứa các chất phụ gia vượt ngưỡng quy định nhập khẩu trái phép. Đề cập đên mặt hàng xí muội, mứt hoa quả, bà Mai cho biết, rất nhiều sản phẩm xí muội bày bán trên thị trường không có nguồn gốc và mất an toàn. Kết quả kiểm tra thị trường, Chi cục VSATTP thành phố lấy 18 mẫu xí muội thì có 11 mẫu không đạt chỉ tiêu. Thậm chí, mẫu xí muội chưa hàm lượng Saccharin cao gấp 35 lần so với quy định cho phép. Nhằm quản lý chặt lượng hàng nhập khẩu như xí muội, thời gian qua Chi cục tiến hành kiểm tra một cơ sở đóng gói xí muội với nhãn mác Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình truy xuất nguồn gốc cơ quan quản lý phát hiện doanh nghiệp đang thực hiện đóng gói xí muội nhập khẩu tiểu ngạch từ biên giới Việt - Trung. Để tiến sâu hơn vào thị trường tiêu thụ, các lô hàng trên được đóng vào bao bố và vận chuyển bằng xe khách từ Quảng Ninh vào TP.HCM. Sau đó, doanh nghiệp thực hình khâu đóng gói rồi phân phối đi các chợ. Không chỉ là sản phẩm xí muội, nhiều mặt hàng nhập khẩu thông qua các tỉnh biên giới phía Bắc đang bị cảnh báo về chất lượng. Đơn cử, đối với mặt hàng trái cây tỉnh Lạng Sơn phát hiện 7/80 mẫu hoa qua các loại có nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật.
Nhu cầu của xã hội hiện nay không dừng lại giới hạn đủ ăn, ăn ngon mà phải được ăn thực phẩm sạch. Tuy nhiên người tiêu dùng lại phải đối diện với nguy cơ cao trong vấn đề mất VSATTP. Năm 2014 cả nước có 194 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 5.000 người mắc và 43 người tử vong.
“Ngăn chặn và xử lý thực phẩm bẩn hoàn toàn không đơn giản. Vì vậy, các cơ quan liên quan cần phải đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm VSATTP”- ông Nguyễn Mạnh Hùng mong mỏi. Nhận định về công tác quản lý và xử phạt thực phẩm mất VSATTP, nhiều ý kiến bức xúc và quan ngại, Việt Nam có rất nhiều văn bản pháp quy liên quan đến chất lượng thực phẩm song sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng tiếp tục bị đe dọa.