Hiệu ứng tích cực từ đào tạo nghề theo địa chỉ
Những năm gần đây, công tác đào lạo nghề cho lao động nông thôn ở các quận, huyện thuộc TP.Cần Thơ đã dần được đổi mới về phương thức và nội dung trong đó, công tác đào tạo nghề theo địa chỉ ở huyện Vĩnh Thạnh đang được tập trung thực hiện và mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Đào tạo nghề theo địa chỉ trở thành một giải pháp ưu thế, mang tính hiệu quả cao gắn với việc đào tạo và giải quyết việc làm.
Lớp học thứ 8 được khai giảng và đào tạo theo đặt hàng của Vinatex
Là huyện vùng ven, đời sống của nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp chiếm tỉ lệ trên 80%. Qua quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế nông nghiệp dẫn đến lượng lao động thiếu việc làm đứng ở mức cao, trong khi đó chưa tạo được mối liên kết trong công tác cung ứng lao động, chưa thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư…Vì thế Vĩnh Thạnh chuyển hướng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo địa chỉ và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Đến nay đã thu hút được Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đầu tư, xây dựng Nhà máy May Vinatex Cần Thơ với diện tích 3 ha, tổng kinh phí 150 tỷ, sử dụng trên 1.500 lao động, kim ngạch xuất khẩu dự tính 20 – 30 triệu USD/năm.
Để triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề cung ứng theo đơn đặt hàng, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Trung tâm dạy nghề cùng UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức nhiều đợt khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo để từ đó xây dựng kế hoạch, đưa ra chương trình đào tạo phù hợp. Đến cuối năm nay, nhà máy may Vinatex Cần Thơ sẽ đi vào hoạt động vì thế công tác đào tạo được Vĩnh Thạnh chuẩn bị ráo riết, đã đào tạo được hơn 630 học viên.
Việc liên kết với các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh giúp cho nguồn lao động đào tạo xong có kỹ thuật vững vàng, trình độ tay nghề được nâng lên từ đó, tạo được niềm tin cho người lao động và người sử dụng lao động.
Vui mừng vì được học nghề cũng như có việc làm ổn định sau 2 tháng đào tạo, chị Nguyễn Thị Hồng Thắm ở ấp Thắng Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Gia đình quá khó khăn nên em không thể học hết 5 năm đại học và về nhà hơn nửa năm nay vẫn chưa xin được việc làm. Nay được đi học nghề và có việc là cơ hội để phụ giúp bố mẹ lo cho 2 đứa em nhỏ tiếp bước đến trường”.
Được đào tạo theo địa chỉ, học viên có việc làm và nguồn thu nhập ổn định
Cùng phấn khởi trong ngày khai giảng, chị Nguyễn Thị Thanh Nhung (30 tuổi) ở ấp Thắng Lợi chia sẻ: “Nhà không có đất vườn, chồng thì đi làm thuê, lương chỉ 2 triệu đồng/tháng, còn bản thân tôi ngoài việc nội trợ thì đi chằm lá với khoảng thu nhập 25.000 đồng/ngày nhưng rất bấp bênh, trong khi đó phải nuôi 2 đứa con đi học nên làm bao nhiều cũng không đủ ăn và trang trải chi phí. Vừa rồi địa phương có vận động học may để vào làm việc ở nhà máy may nên tôi đăng ký đi học. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia học nghề. Trước đây, thấy cũng có trường hợp chị em đi học mà không tìm được việc làm nên không muốn tham gia. Tuy nhiên, giờ được đào tạo theo nhu cầu của công ty, tôi rất yên tâm”.
Việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo địa chỉ là hướng đi đúng, qua đó tạo nên chuyển biến tích cực không chỉ đối với từng lao động mà còn có tác động sâu rộng. Ông Lê Thanh Tứ Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc cho biết: “Toàn xã tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm đến 13,25%. Mỗi năm địa phương có tổ chức đào tạo nghề cho lao động, tuy nhiên tỉ lệ lao động có việc làm chỉ khoảng 50%. Giờ đây, 35 học viên được đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp giúp nâng tỉ lệ lao động có việc làm sau khi đào tạo và giúp địa phương giảm tỉ lệ nghèo, cận nghèo”.
Trao đổi về công tác đào tạo theo địa chỉ, ông Đặng Minh Thảo, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, huyện đã đào tạo cho hơn 630 học viên may công nghiệp, bước đầu đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Trong thời gian tới sẽ đề xuất và đẩy mạnh rà soát tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo để mở thêm 3 đến 4 lớp may công nghiệp, nhằm cung ứng lao động cho nhà máy Vinatex. Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện công tác phối hợp với các địa phương như: Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Tân Hiệp (Kiên Giang), Thoại Sơn (An Giang) đẩy mạnh đào tạo để đạt chỉ tiêu đề ra”. Đối với những học viên được đào tạo trước đó mà chưa có việc làm thì huyện tổ chức tập huấn, đào tạo lại theo chương trình mới cũng như tham gia vào chuỗi liên kết được ký kết để ngày càng tạo được niềm tin, nâng tỉ lệ lao động giải quyết việc làm tại địa phương.
Bà Lê Thị Bạch Tuyết, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm dạy nghề huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Việc đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo địa chỉ sẽ giúp học viên được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc sau khi kết thúc khóa học, có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo. Bên cạnh mặt thuận lợi, trong quá trình đào tạo gặp phải một số khó khăn như: Nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp lớn, trong khi đó việc cung ứng lao động cũng chỉ ở mức giới hạn. Ngoài ra, việc sử dụng lao động để sản xuất ra mặt hàng xuất khẩu đòi hỏi các học viên phải có kỹ thuật vững vàng và tay nghề không ngừng nâng lên so với việc sản xuất mặt hàng nội địa…”.
Để tiếp tục thực hiện mối liên kết theo hướng bền vững cũng như tạo niềm tin cho học viên, Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh phối hợp trung tâm, các xã, thị trấn tiếp tục rà soát danh sách người lao động chưa có việc làm để mở thêm lớp đào tạo nghề trong thời gian tới cũng như xây dựng chương trình đào tạo hợp lý nhằm đáp ứng được yêu cầu của nhà máy Vinatex nói riêng và của thị trường nói chung.