“Con... của dân”

Đơn Thương 20/06/2015 11:28

Cán bộ phải là người điển hình, đi đầu, gương mẫu để người dân học và làm theo. Tuy nhiên hiện nay, ở nhiều nơi vùng cao, đã có nhiều cán bộ mắc khuyết điểm, vi phạm những quy định làm mất đi những hình ảnh của mình trong mắt người dân mà trong đó vi phạm quy định về sinh con thứ 3 là khá điển hình.

Nhiều nơi vùng cao đang bùng phát hiện tượng sinh con thứ 3 trong đó có cả cán bộ

Một phần do tập quán, phần nữa do công tác tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, lại thêm tư duy “trọng nam, khinh nữ” nên nhiều năm nay, việc sinh con thứ 3, trong đó có cả cán bộ đã phổ biến và trở thành báo động. Tuy nhiên, vì chức danh, uy tín nên những vi phạm này lại thường bị các cán bộ vi phạm giấu nhẹm. Chuyện sinh con thứ 3 và có thêm con nữa của nhiều cán bộ chỉ được phát hiện khi người dân có ý kiến. Những đứa con sinh thêm này thường được đồng bào vùng cao gọi vui là “con… của dân” vì chúng đều do dân phát hiện ra mới biết được.

Hết quý 3 năm nay, các vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3, trong đó có cả cán bộ vi phạm trên địa bàn cả nước thì huyện M., tỉnh H. được coi là đáng báo động nhất. Hiện, theo thống kê, trong hơn 1000 trẻ được sinh ra ở huyện này thì tỷ lệ sinh con thứ 3 đã lên đến trên 100 trẻ, chiếm tỷ lệ 10%. Theo cán bộ chuyên ngành, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức kế hoạch hóa gia đình chưa tốt thì còn có nguyên nhân nhiều cán bộ ở đây chưa gương mẫu, vẫn sinh thêm con thứ 3 để đồng bào thấy vậy mà… “học theo”.

Tâm sự với một cán bộ kế hoạch hóa ở đây, anh tế nhị cho biết, trong các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 thì có nhiều “con của dân”, vì cán bộ vi phạm, các đoàn thể chỉ biết được khi có ý kiến của người dân. Nhiều cán bộ vi phạm, nhưng do quen biết nên mọi thủ tục tư pháp được hoàn thành hết sức kín đáo, họ không hề thông báo với ai và cũng không ai hay đoàn thể nào biết được. Nhiều con thứ 3 của các cán bộ vi phạm này đi học đến lớp 3, lớp 4 rồi thì cơ quan của vị cán bộ ấy mới biết. Lúc này cũng chỉ biết cười xòa, nhắc nhở vì cán bộ vi phạm đã sắp sửa về hưu, thậm chí có người đã về hưu hẳn.

Hôm vào xã M. của huyện, tìm hiểu về công tác này, chúng tôi đã gặp một chuyện hơi nghịch cảnh. Thấy chủ nhà, vốn là cán bộ, bế một đứa bé ra đón khách. Tưởng là cháu nội hay cháu ngoại gì đó, chúng tôi định hỏi thì anh cán bộ đi cùng vội vàng nhắc nhở: “Con của dân” thôi. Biết là con “ngoài kế hoạch” của vị cán bộ này nên chúng tôi đành nhìn nhau và tủm tỉm cho qua chuyện.

Người ta bảo dân là cốt lõi, nhiều cái khó qua mắt được họ. Chuyện cán bộ sinh con thứ 3 ở nhiều nơi đều chỉ biết được khi có dân đề cập đến và cái câu nói đầy ý nhị “con của dân” phần nào đã nói lên phẩm chất của người đi đầu. Con cái, đấy là sự hiện hữu, tại sao chỉ khi dân có ý kiến thì các cán bộ cấp trên mới biết được. Người ta cũng đặt ra một câu hỏi, với cán bộ không liêm khiết, có những thứ không thể hiện hữu được như tiền nong, tài sản… khi dân có ý kiến thì ai sẽ giúp họ tìm ra sự thực?

Đơn Thương