Chinh phục nóc nhà thế giới
Everest - đỉnh núi cao nhất thế giới, lên tới 8.848 mét (con số đo được vào năm 1999, trong khi đó mỗi năm ngọn núi lại cao thêm 2,5cm). Đây được coi là đỉnh núi cô đơn nhất thế giới vì quá ít người lai vãng, hệ động thực vật hầu như không tồn tại nổi. “Nóc nhà thế giới” nổi lên từ dãy Himalaya vô cùng hiểm trở nhưng cũng lại là điểm “mời gọi” không biết bao nhiêu người ưa mạo hiểm. Trong số họ có những người đã không có ngày về…
1. Khí hậu và địa hình Everest đã khiến đây trở thành nơi khắc nghiệt nhất hành tinh. Nhiệt độ trung bình -190C vào mùa hè và -360C vào mùa đông. Người lên núi nếu không có thiết bị bảo vệ tốt thì sẽ bị bỏng lạnh, có người chân tay tê cứng buộc phải cưa bỏ để bảo tồn mạng sống. Càng lên cao không khí càng loãng, khiến người ta không thở nổi, dẫn đến tử vong.
Nhưng, Everes lại tỏa ra sự cuốn hút kì lạ. Mùa xuân, khi nhiệt độ cao hơn chút ít và những tia nắng nhợt nhạt xuất hiện, dưới chân Everest lại xuất hiện những toán người leo núi. Họ ở trong những túp lều bạt đợi giờ xuất phát. Đó là một hành trình vô cùng gian nan nhưng cũng đầy mê hoặc. Họ không thể biết trước hiểm nguy nào đang đợi mình phía trước. Những con người đến từ các quốc gia khác nhau bỗng trở nên gần gũi vì có chung niềm đam mê chinh phục. Họ biết rằng trong một vài tuần mình sẽ hết sức đơn độc, do đó tình người bao giờ cũng vô cùng quý giá.
Vì sao có những người liều mạng để leo lên nóc nhà thế giới? Alan Arnette - một nhà leo núi trong nhật ký của mình đã viết rằng: “Đó là một ngọn núi màu nhiệm có khả năng cuốn hút bất kỳ ai, giống như thiêu thân bị thu hút bởi ánh đèn vậy”.
Hillary đến Bắc cực khi ông đã 66 tuổi
Hơn 150 năm trước, con người đã bắt đầu thử sức với Everest. Lúc bấy giờ một nhóm chuyên gia người Anh chuyên về lập bản đồ đưa ra thông báo Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới. Từ đó, cùng với Nam cực và bắc cực, Everest trở thành “cực thứ ba” cuốn hút khát vọng chinh phục của con người.
Nói như Maurice Isserman- nhà sử học thuộc Đại học Hamilton (New York, Mỹ) thì từ khi được xác nhận là ngọn núi cao nhất, Everest đã trở thành một biểu tượng đầy mê hoặc. Chinh phục được Everest là một chiến tích lớn nhất. Tương tự, nhà leo núi người Anh George Mallory cho rằng, không gì mô tả nổi cảm giác khi đứng trên đỉnh núi, nó như thể người ta đang sống trên trời chứ không phải là ở trái đất. Năm 1924, G.Mallory đã chết trong đợt thứ 3 thám hiểm nóc nhà thế giới.
-Quá trình cực nhọc lên đỉnh Everest, người ta có quá nhiều lý do để bỏ cuộc, nhưng chỉ có một lý do khiến bạn phải đi tiếp: đó là việc buộc bạn nhìn sâu hơn vào con người mình, xem liệu bạn có sự cứng rắn cả về thể chất và tinh thần để tiếp tục tiến lên khi bạn muốn dừng lại hay không- Alan Arnette nói.
Mark Inglis là người khuyết tật đầu tiên chinh phục Everest
2. Cách đây 10 năm, Tiến sĩ Andrew Sutherland- cố vấn y khoa cho các cuộc thám hiểm đỉnh Everest cho biết, mặc dù đã rất nỗ lực và chu đáo, nhưng những cái chết của người leo núi là rất bất ngờ. Theo bản báo cáo của tạp chí Y khoa nước Anh, thì tính trung bình cứ 10 cuộc chinh phục đỉnh Everest thì có 1 người chết. Người ta cũng đã xác định được hai người đầu tiên chinh phục đỉnh Everes là Edmund Hillary và Sherpa Tenzing Norgay, cách đây 62 năm.
Không phải bị lạc đường, lạnh cóng hay tuyết lở những người leo lên Everes mới bị chết, mà họ còn bị chứng phù não và phù phổi do bị chênh lệch độ cao so với mặt nước biển dày vò. Đó là những chứng bệnh làm tích tụ các chất dịch trong não hoặc phổi, dẫn đến tử vong.
Nhà leo núi Australia Christian Stangl
Theo Tiến sĩ Sutherland, nhiều người nhầm tưởng khi chinh phục nóc nhà thế giới người ta bị chết là do thiếu kinh nghiệm, nhưng thực tế chứng minh số người chết nhiều nhất lại là do không đọc được cơ thể mình, khi không lượng định được khả năng chịu độ cao của bản thân. Khi leo tới độ cao 8.000 mét, người ta rơi vào “vùng chết”, khi đó cơ thể sẽ không chịu đựng nổi, nguy cơ tử vong là rất lớn.
Theo kinh nghiệm, để hạn chế tử vong, người ta chỉ nên leo từ 100 mét đến 150 mét trong vòng 1 giờ đồng hồ, nếu leo nhanh hơn sẽ bị kiệt sức. Tốc độ leo như vậy còn chậm hơn bò rạp người, nhưng đó là điều không thể khác.
Nhà leo núi Nhật Bản Yuichiro Miura
3. Cho tới nay, người ta vẫn thừa nhận Edmund Hillary là nhà leo núi bậc nhất của thế kỷ 20 khi ông là 1 trong 2 người đầu tiên chinh phục Everest. Ngay từ nhỏ, cậu bé Emund Hillary đã sớm nhận ra niềm yêu thích của mình với môn leo núi. Khi tròn 20 tuổi, E.Hillary đã leo lên đỉnh Olivier của dãy Alps. Ngày 29-5-1953, cùng với Sherpa Tenzing Norgay ông đã leo lên đỉnh Everest và quay về an toàn. Đó là nhiệm vụ “bất khả thi” vào lúc bấy giờ vì khả năng sống sót gần như bằng không. Hillary cùng đồng đội lên đỉnh Everest bằng cách leo qua thác băng Khumbu- con đường nguy hiểm nhất. Sự khắc nghiệt đã khiến mọi người bỏ cuộc chỉ còn lại Hillary và S.Norgay lầm lũi hoàn thành hành trình trong đơn độc.
Apa chinh phục đỉnh Everest lần thứ 18 ngày 22-5-2008
Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 29-5-1953, họ đã đặt chân lên đỉnh Everest. Để ghi nhận chiến thắng vinh quang này, Nữ hoàng Anh Elizabeth đã phong tước cho Hillary; đồng thời cho đến nay ông là người duy nhất có chân dung trên tiền giấy của đất nước New Zealand ngay khi còn sống.
Năm 1958, Hillary đặt chân tới Nam cực. Năm 1967, ông cùng Neil Armstrong tới Bắc cực. Như vậy, ông đã trở thành người đầu tiên đặt chân đến hai cực của địa cầu và đỉnh Everest.
Cùng với Hillary, người ta còn ghi nhận nhiều kỉ lục khác trong việc chinh phục Everest. Danh hiệu người già nhất leo lên đỉnh Everest là nhà leo núi Nhật Bản - Yuichiro Miura ở tuổi 80 (năm 2013). Còn cặp đôi leo Everest nhiều lần nhất (21) lần là Apa và Phurba Tashi (Nepal). Người khuyết tật đầu tiên chinh phục Everest là Mark Inglis, quốc tịch New Zealand...