Ông tướng nhà văn Dũng Hà: Bay từ “Sao Mai“ lên cao cùng “Sông cạn“
Có những nhà văn, có tiếng hẳn hoi, nhưng ngay khi họ còn sống thì tác phẩm của họ dường như đã kịp hết thời, không còn được ai tìm đọc nữa. Nhiều người trong số này xứng đáng được thông cảm hơn là dửng dưng, đơn giản vì họ đã luôn cố gắng hợp với thời điểm mình sống nhất mà không đủ sức (không đủ tầm?) quan tâm tới diễn tiến tiếp theo của dòng đời... Cũng có những nhà văn sẵn sàng bỏ qua yếu tố hợp thời, chỉ viết những gì mà mình cảm nhận sâu sắc và máu thịt nhất về thực tế, bất chấp việc bị đ
Còn có một lớp nhà văn khác, họ trong lúc cần mẫn, trung thực và chân thành thực hiện những nhiệm vụ mang tính thời sự trong văn chương nhưng vẫn cảm nhận được tiếng gọi từ tương lai và rốt cuộc cũng hoàn thành được tác phẩm có thể ở lại cùng các thế hệ sau. Thiếu tướng Dũng Hà (1929 - 2011), nguyên Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, một chiến binh từ thời chống Pháp, từng tham gia trận Điện Biên Phủ là một người như vậy.
Thiếu tướng Dũng Hà (Ảnh: Minh Trí)
Tham gia quân đội từ năm 17 tuổi, tới năm 1954, Dũng Hà đã là chính trị viên đại đội. Rồi khi binh chủng đặc công được thành lập, ông được phân công về đó làm cán bộ chính trị và trưởng thành tới cương vị Chính ủy Binh chủng. Với tư cách nhà văn, Dũng Hà được công chúng rộng rãi biết tới sau tiểu thuyết rất thú vị về binh chủng đặc công “Sao Mai” ra đời năm 1974 (sau này, “Sao Mai” được dịch ra tiếng Nga, in ở nhà xuất bản Sao Đỏ ở Liên Xô cũ năm 1986). Nhà văn Dũng Hà còn là tác giả của những tác phẩm văn học có giá trị như các tiểu thuyết “Mảnh đất yêu thương” (1978), “Đường dài” (1987), “Quãng đường xưa in bóng” (1989) cũng như những tập truyện ngắn “Gió bấc” (1963), “Cây số 42” (1996)... Ông đảm nhận cương vị Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội từ 1982 tới 1993 và đã được phong quân hàm Thiếu tướng trong giai đoạn đó...
Nghĩ về Dũng Hà, trước hết ta phải thấy đấy là một quân nhân mẫu mực, với những phẩm chất tốt đẹp thực sự của một người lính Cụ Hồ. Trung thành, tận tụy, không bao giờ khước từ nhiệm vụ trên giao. Một cán bộ chỉ huy sống rất tình cảm với đồng chí, đồng đội, ngay cả khi đã về hưu. Nhà văn Nguyễn Bảo, nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, đã viết về ông: “Những năm cùng làm việc với anh ở Nhà số 4, chúng tôi biết anh là người rất tình cảm. Là thủ trưởng cơ quan nhưng anh đến với chúng tôi thường xuyên. Anh say sưa kể chuyện, hầu như không thiếu chuyện gì. Sau này, khi đã nghỉ hưu, anh vẫn tìm tới chúng tôi tâm sự nhiều điều và không quên thông báo với chúng tôi về tình hình nhà cửa, con cháu, những dự định của anh trong tương lai. Suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, ngoài việc lo toan làm tốt nhiệm vụ Đảng, Quân đội, Nhà nước giao phó, anh còn là một người mẫu mực trong việc chăm lo hạnh phúc gia đình, chu đáo với vợ, với con, với các cháu nội ngoại…”.
Nếu chưa biết Dũng Hà, ta dễ cảm thấy ông cách biệt bởi bề ngoài nghiêm ngắn của ông. Nhưng khi đã có dịp trò chuyện trực tiếp với ông thì lập tức ta sẽ mau chóng nhìn nhận ông như một người gần gụi - đàng sau cái vẻ ngoài như khô khan ấy là một trái tim dễ cảm, rộng lượng và cũng hay thương người. Và rất thẳng thắn, bộc trực, một là một, hai là hai, đến mức có những khi chú cháu ngồi trò chuyện với nhau, đôi khi tôi có cảm giác như ông còn hơi hồn nhiên khi nhìn vào cái cuộc đời và cái nghề viết thực ra trăm mối tơ vò dan díu của chúng ta hôm nay. Ngay cả khi đã ở tuổi "cổ lai hy" mà vẫn muốn người khác phải tư duy giống như mình trong mọi chuyện thì có còn là ngây thơ không hả giời?!
Thông thường, đã là nhà văn thì hay dễ ảo tưởng về quyền năng ngòi bút của mình. Đây cũng chẳng phải tính xấu gì đối với người sáng tạo vì không khát vọng cao sẽ khó chinh phục được "cao điểm", có điều nếu quá hoang tưởng thì sẽ hại trước hết cho chính bản thân và gia đình, "nhọc mình mà chẳng nên công cán gì". Dũng Hà là người luôn tỉnh táo khi nhìn vào con đường văn chương. Ông tự nhận mình là "không có tài bẩm sinh". Ông không có tham vọng làm văn bằng mọi cách để tạo dấu ấn cho mình mà trước hết chỉ để diễn tả những gì có thật trong cuộc đời mình để thực thi công vụ và phục vụ những lợi ích lành mạnh nhất của xã hội, sống rồi mới viết chứ không phải sống để viết. Nếu một người Đức từng nói chiến tranh là sự tiếp diễn của chính trị bằng những phương tiện khác, thì với Dũng Hà, viết văn cũng là sự nối dài của công tác chính trị bằng ngòi bút. Không thể nói là ông không ham thích văn học từ trẻ: tít từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, ông đã giành được giải ba trong một cuộc thi văn của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Theo lời ông tự thuật, ngay từ khi mới lớn lên, ông đã có ý thức tự đúc kết những bí quyết viết văn khi đọc các tác phẩm văn học: "Đọc xong cuốn nào, tôi cũng suy đi nghĩ lại, tự tìm xem họ muốn nói gì? Nhân vật chính, phụ ra sao? Tuyến một, tuyến hai, tuyến ba, bố cục... Những truyện nào thích, tôi đọc lại mấy lần, mục đích học xem họ viết cách nào...". Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, ông đã yên tâm làm tốt chức trách "sĩ quan chiến trường" của mình trong Binh chủng Đặc công. Biết bao nhiêu công việc mà ông đã phải trải qua trong một lực lượng "đầu sóng ngọn gió", luôn giáp mặt với hy sinh nguy hiểm như thế. Thậm chí, ông đã từng bị dính đạn và mang vết thương vĩnh viễn trong mình. Tuy nhiên, mơ ước dẫu thầm kín nhưng không bao giờ nguôi trong lòng là làm sao nói được những gì "tai nghe, mắt thấy, tim cảm" thành ngôn ngữ văn học thì không lúc nào buông tha cho ông. Càng đi vào hiện thực bề bộn và nguy hiểm của đời sống chiến sĩ chiến đấu, Dũng Hà càng cảm thấy đốm lửa văn chương cháy lên trong mình. Ông kể: "Năm 1974, sau khi được trực tiếp tham gia mấy chiến dịch của đặc công, tôi bỗng nảy ra ý định táo bạo: Mình là người trong cuộc, có vốn sống trực tiếp đặc công, sao lại không viết nhỉ?". Chính trong tâm trạng ấy, Dũng Hà đã hoàn thành "Sao Mai", bộ tiểu thuyết cho tới nay là hay nhất về Binh chủng Đặc công, trong vòng 60 ngày, dày 600 trang bản thảo. Nhà văn Nguyễn Bảo nhận xét về “Sao Mai”: “Một tác phẩm chỉ có thể viết nên bởi chính người trong cuộc. Vốn thực tế ngồn ngộn ùa ra trang viết. Sự việc, sự kiện, các chi tiết cho đến ngôn ngữ, tính cách nhân vật... lung linh, sinh động như cuộc sống vốn có. Các nhân vật từ tư lệnh tới người lính phía bên ta và cả những nhân vật bên địch được khắc họa có tính cách, có số phận nhưng trên hết người đọc tin những nhân vật ấy có thực. Người viết đã trải nghiệm, đã chứng kiến và không thể không viết ra...”.
Không phải nhà văn nào cũng vượt qua được "dấu son" của thời sung sức. Và không ít người cũng nghĩ như thế về "Sao Mai" và nhà văn Dũng Hà. Vòng nguyệt quế, dù mới chỉ ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ văn chương, của "Sao Mai" có lẽ đã phủ xuống che đi nhiều bộ sách sau của ông... Dường như cho tới khi ông về hưu, không ai hy vọng gì vào ông thêm nữa, dẫu sao đã có được "Sao Mai" cũng đã là quá tốt cho một cựu chính ủy Binh chủng.
Riêng bản thân Dũng Hà không an phận. Những thăng trầm và dâu bể của cá nhân cũng như những người thân trong dòng họ (từng tham gia cách mạng từ sớm, có nhiều thành tích nhưng vì quá chân thành và bộc trực nên đã phải gánh chịu không ít những thử thách khốc liệt, may mà cuối cùng đều tai qua nạn khỏi) cứ ám ảnh ông và giục ông cầm bút. Và ông đã sống như con thiên nga tích cóp những giai điệu máu thịt thăng hoa nhất để tới giờ tới khắc, sẽ cất lên tiếng hát bài ca cuối cùng lưu danh mai hậu. Ông tướng về hưu trong ngôi nhà nhỏ ba tầng ở ngõ số 8 phố Lý Nam Đế ít xuất hiện trên báo chí, ít giao du hội hè và khác một số người, thực sự không có tham vọng gì để chứng tỏ vai trò từng là nổi bật của mình trong các hoạt động ngoài trang viết. Không phải ai cũng làm theo được ông... Và chính trong những ngày tháng gần như mai danh ẩn tích ấy giữa chốn phồn hoa, ông đã dày công lao động để hoàn thành tiểu thuyết "Sông cạn" năm 1996. Và mới chỉ ở dạng bản thảo sơ khai, “Sông cạn” ngay lập tức đã được nhiều đồng nghiệp đón nhận trân trọng, coi đó là "sách để đời" của nhà văn Dũng Hà. Tôi đã đọc bản thảo tiểu thuyết "Sông cạn" của ông và nói thực là, tôi đã khóc trên rất nhiều trang. Tôi nghĩ, suy cho cùng thái độ của văn học vẫn phải là thái độ nhân ái. Chúng ta đã trải qua đủ mọi thứ rồi nhưng nhìn lại quá khứ thì còn lại vẫn là sự tử tế đối với nhau chứ không phải chúng ta viết văn để mà thanh toán những ân oán giang hồ, những sự bồng bột, bột phát và giận dữ nhau. Trong "Sông cạn" của ông, tôi cảm nhận rất nhiều sự nhân ái, tức là đời sống của một sĩ quan đau đớn như thế, nó bị đoạn trường, hệ lụy như thế mà cuối cùng vẫn là tình cảm, nhất là chương cuối ông viết. Dũng Hà cũng nói rằng, ông viết “Sông cạn” không phải để trách cứ ai cả. Ông kể, nhà văn Hữu Mai trước khi chết có gặp ông và bảo, những chi tiết gì ở trong quyển sách người ta sẽ quên hết, nhưng cái người ta còn nhớ là thái độ của tác giả với vấn đề đặt ra như thế nào… Ai đó đã nói rằng, để sống cùng hậu thế, phải đi trước ngày hôm nay. Có cảm giác như nhà văn Dũng Hà đã tạo ra được một đứa con tinh thần giúp văn nghiệp của ông sống lâu hơn kiếp đời trần thế của tác giả. Với một nhà văn, đó há chẳng phải là một niềm hạnh phúc và may mắn đích thực hay sao, dù rằng, cần phải có thêm thời gian để xã hội "chín" tới lúc có thể cân bằng tâm trí đón nhận nó. Phải qua nhiều truân chuyên, mãi tới năm 2006, “Sông cạn” mới được xuất bản ở nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, tất nhiên, với bàn tay biên tập không nhẹ nhàng chút nào. Chính vì thế, mặc dù cố gắng tỏ ra vui vẻ nhưng nhà văn Dũng Hà vẫn nặng trĩu trong lòng, dù sách in ra rất đẹp với số lượng, nói như nhà văn Nguyễn Bảo, “cũng không đến nỗi nào”.
Từng được trò chuyện nhiều với nhà văn Dũng Hà cả trong những ngày cuối cùng của cuộc đời ông, tôi thấy ông đã nuôi mãi niềm mơ ước bao giờ “Sông cạn” được in như đúng với bản thảo mà ông từng viết. Tiếc thay, chuyến bay lên đỉnh cao văn chương của cuộc đời ông, cho tới hôm nay vẫn chưa được thành tựu vẹn tròn...
Đặng Hồng Quang