Ai chịu trách nhiệm pháp lý đối với số liệu thống kê?
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, chiều 22-6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật thống kê (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng: Phải làm rõ cơ quan chịu trách nhiệm pháp lý đối với số liệu thống kê để tránh trường hợp cùng một nội dung nhưng có nhiều số liệu thống kê.
ĐB Bùi Thị An(Hà Nội) đề nghị phải ứng dụng các phương pháp thống kê tiên tiến
để thống kê nhanh, chính xác hơn
Nhiều ĐB đồng tình: Hoạt động thống kê có vai trò quan trọng, cung cấp thông tin thống kê, đáp ứng yêu cầu nhận diện, đánh giá đúng tình hình phát triển kinh tế-xã hội và dự báo xu hướng phát triển, trên cơ sở đó giúp cho Quốc hội, Chính phủ hoạch định và kiểm tra giám sát việc thực hiện chiến lược xây dựng quy hoạch, kế hoạch chính xác, quản lý điều hành kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin cho tổ chức cá nhân. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cốt lõi của dự án Luật là đảm bảo chất lượng, số liệu thống kê.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng: Dự thảo luật cần làm rõ 5 vấn đề, đó là, đảm bảo độ tin cậy, chính xác cao; sự liên kết thống kê tập trung tập trung với bộ ngành, địa phương chặt chẽ; thống nhất phạm vi tính toán, phương pháp tính và nguôn số liệu; thống kê đầy đủ nhằm phản ánh sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và quy định đủ cơ sở pháp lý trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thống kê trước tình hình hội nhập quốc tế. Do đó, ĐB đề nghị: Dự thảo Luật cần quan tâm nghiên cứu hoàn thiện chỉ tiêu, tiêu chí thống kê, tiếp cận thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế- xã hội của đất nước. “Chúng tôi quan tâm chỉ tiêu phản ánh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế bền vững. Từ nhiều kỳ họp, đặc biệt quốc hội khóa 13 ĐBQH quan tâm nhiều đến kinh tế vùng. Một số vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt liên quan an sinh xã hội cần tính toán.Đặc biệt thiếu quy định đảm bảo mối quan hệ mối quan hệ tính liên kết phối hợp đồng bộ hệ thống tiêu chí thống kê quốc gia và tiêu chí thống kê các ngành, các địa phương”.- ĐB Vở nói.
Để khắc phục sự chênh lệch số liệu thống kê giữa cơ quan thống kê Trung ương và bộ, ngành, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ cơ quan chịu trách nhiệm pháp lý đối với số liệu thống kê của bộ, ngành và xem xét tính kết nối thống nhất trong quá trình phân cấp thực hiện nhằm khắc phục sự chênh lệch số liệu nhất là chỉ tiêu GDP cả nước và GDP địa phương, chỉ tiêu việc làm mới, chỉ tiêu giảm hộ nghèo giữa bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan thống kê trong thời gian vừa qua. Đại biểu Bùi Thị An( Hà Nội) cho rằng: “Minh bạch, công khai về phương pháp tính, vì sao thời gian qua có sự khác biệt giữa GDP của Trung ương và địa phương, vì sao giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung quốc lại thấp, trong khi đó, số liệu Trung quốc giá trị lại cao. Tôi nghĩ nguyên nhân chính là do phương pháp tính, trong khi tính giá trị xuất nhập khẩu ta không tính đến kinh tế ngầm hay các hạng mục tiểu ngạch. Chính vì vậy các chỉ số thống kê không đo được chính xác sức khỏe của nền kinh tế nước ta. Hiện nay công nghệ thông tin đã phát triển trình độ rất cao, tôi đề nghị thêm cụm từ “phải” ứng dụng các phương pháp thống kê tiên tiến”. Nhiều ý kiến thảo luận tại hội trường cũng cho rằng: dự thảo luật mới có nguyên tắc trong công tác thống kê chứ không có nguyên tắc sử dụng số liệu thống kê.