Phát triển kinh tế biển, giữ vững chủ quyền quốc gia
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng qua (22-6), Quốc hội đã thảo luận Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Nhiều ý kiến đề nghị, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển cũng phải gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển.
ĐB Nguyễn Phi Thường phát biểu tại Hội trường, ngày 22-6
Ảnh: Hoàng Long
Góp ý kiến vào Dự án luật, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) bình luận: Cho đến nay, chúng ta chưa có một cảng nước sâu đúng nghĩa. Toàn bộ container Việt Nam đi châu Âu, châu Mỹ đều phải trung chuyển qua Singapore hoặc Hồng Kông. Việc này làm tăng chi phí vận chuyển, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ, cần xây dựng cảng nước sâu cỡ lớn. Tuy nhiên, theo ĐB Thường, đầu tư cho cảng biển cũng có những thách thức về vốn và hiệu suất khai thác. Vì vậy, cần thiết phải thu hút nhiều nhà đầu tư.
Ủng hộ Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải, thu hút mọi nguồn lực, ưu tiên phát triển đội tầu, phát triển nguồn nhân lực tăng cường hợp tác quốc tế là cần thiết, tuy nhiên ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị: Cần các chính sách khuyến khích tập trung đầu tư việc áp dụng mô hình vận tải đa phương thức, coi cơ sở hạ tầng đường bộ, bến cảng, đường thủy, kho bãi... là một chính thể. Đồng quan điểm, ĐBQH tỉnh Bắc Giang Hoàng Thị Hoa đề nghị sửa đổi Bộ luật Hàng hải lần này theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ mới cho ngành hàng hải Việt Nam phát triển. Nhà nước cần đầu tư quản lý những vị trí cảng biển có vị trí quan trọng và lĩnh vực liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải hoặc những ngành theo phân khúc thị trường mà doanh nghiệp không đầu tư. Đồng thời, liên kết vùng miền trong cả nước và giữa giao thông thủy nội địa, sắt, bộ, hàng không nhằm phát huy tối đa lợi thế hàng hải Việt Nam nhằm phục vụ đắc lực phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền và hợp tác quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị: Để tạo điều kiện cho ngành hàng hải Việt Nam phát triển, cần phải củng cố địa vị pháp lý và sắp xếp lại tổ chức hợp lý để nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, đồng thời phải coi trọng, duy trì bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải đi đôi với đáp ứng yêu cầu tự do hàng hải theo quy định của Hiến pháp, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển. ĐB đề nghị nâng cấp cơ quan giúp Bộ GTVT thực thi quản lý chuyên ngành hàng hải hiện nay là Cục Hàng hải Việt Nam lên thành Tổng cục Hàng hải Việt Nam.
Đồng quan điểm, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, đây là bộ luật rất quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp quốc tế. Trong khi đó, đội ngũ luật sư, luật gia của ta tuy nhiều nhưng ít người am hiểu về lĩnh vực này. Vì vậy, muốn hoàn thiện luật này phải bổ sung thêm những quy định mà thông lệ quốc tế đã áp dụng mà ta chưa có vào trong luật. Tóm lại, phải sửa đổi, bổ sung một số điều luật để có bộ luật thể hiện tính hội nhập cao nhưng cũng giúp phát huy kinh tế biển Việt Nam.
Góp ý kiến về hoạt động của Ban quản lý và khai thác cảng tại Điều 142, ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng, hiện nay việc quản lý cảng biển giao cho rất nhiều cơ quan. Việc thực hiện các hoạt động tại đây cũng giao cho nhiều doanh nghiệp cũng như các tổ chức, đơn vị sự nghiệp tham gia vào quá trình thực hiện các hoạt động này. ĐB đề nghị cân nhắc kiện toàn bộ máy tổ chức, bởi nếu thành lập thêm Ban quản lý và khai thác cảng thì dễ dẫn tới tăng thêm bộ máy và tăng thêm biên chế.
ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) kiến nghị: Bộ luật quốc tế về an ninh tàu và cảng biển (Bộ luật ISPS) chỉ quy định về an ninh tàu và cảng biển nhằm phát hiện đánh giá một mối đe dọa an ninh và có biện pháp ngăn ngừa đối với sự cố an ninh ảnh hưởng đến tàu, bến cảng được sử dụng trong quốc tế nhưng chưa có quy định cụ thể về an ninh hàng hải nói chung. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay tình hình an ninh Biển Đông diễn biến phức tạp, các quốc gia liên quan tăng cường và chú trọng đến an ninh hàng hải. Do đó, để có cơ sở phát triển vững chắc kinh tế biển, đóng góp vai trò to lớn về an ninh hải hải trong khu vực, kiến nghị xây dựng một chương riêng quy định về an ninh hàng hải.