Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915/1-7-2015): Trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam

Quốc Định - Hoàng Minh 23/06/2015 08:33

Ngày 22-6, Thành ủy, HĐND. UBND, UBMTTQ thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh”

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915/1-7-2015): Trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm một gia đình ở huyện Củ Chi (TP.HCM)
có 3 người con hy sinh trong kháng chiến, ngày 11-6-1990
(Ảnh: tư liệu)

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Thanh Hải- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh: Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn liền với lịch sử cách mạng của nhân dân ta, đất nước ta. Đồng chí là một nhà lãnh đạo tài năng, một tư duy sáng tạo, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam, một cuộc đời trung thực và giản dị, thấm đẫm nghĩa tình đồng bào, đồng chí, là tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường quả cảm, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng “tận trung với Nước, tận hiếu với Dân”.

Theo ông Lê Thanh Hải, trong gần 70 năm hoạt động cách mạng vô cùng phong phú, oanh liệt trên khắp ba miền đất nước, theo sự phân công của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có hơn một nửa cuộc đời hoạt động cách mạng của mình gắn bó máu thịt với cách mạng miền Nam, với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh. Đối với đồng bào, chiến sĩ miền Nam, đồng chí thường được gọi bằng những cái tên trìu mến, thân thương: Anh Mười Cúc, Chú Út, Chú Mười Cúc. Tám lần là người đứng đầu Đảng bộ thành phố, vào những giai đoạn mang tính bước ngoặt của cách mạng đồng chí luôn kiên cường bám trụ, gắn bó máu thịt với thành phố và cũng chính thành phố này tạo môi trường và kinh nghiệm vô cùng phong phú đối với đồng chí, đó là một biểu hiện sinh động về sự gắn bó mật thiết, máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.

Bà Phạm Phương Thảo- nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM kể lại: Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, khi được phân công phụ trách cải tạo công thương nghiệp, đồng chí Nguyễn Văn Linh xác định yêu cầu lớn nhất là ổn định chính trị, phát triển kinh tế và chăm lo đời sống nhân dân. Đồng chí đề nghị cải tạo tư sản mại bản trước còn đối với các hộ tư sản, tư thương nên để họ tiếp tục kinh doanh theo đúng pháp luật. Rồi sau này khi các tổ chức quốc doanh ta vững mạnh, ta sẽ liên doanh với họ, hướng họ đi vào con đường kinh doanh tư bản nhà nước. Ý kiến đó không được chấp thuận. Tình hình ngày càng khó khăn, người dân thiếu ăn, nhà máy thiếu nhiên liệu, đất nước đối mặt với những biến động về “giá - lương - tiền”. Để tháo gỡ, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Thành ủy đi sâu sát, lắng nghe, đỡ đầu cho những sáng kiến từ cơ sở, tìm cách “cởi trói”, “bung ra”…cách làm của thành phố có lúc bị phê phán là chạy theo kinh tế thị trường, phát triển “chủ nghĩa tư bản”. Bấy giờ, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã kiên trì tranh thủ sự lãnh đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị. “Sự kiện Đà Lạt” diễn ra vào giữa tháng 7 năm 1983 còn ghi, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã đưa một số nhà lãnh đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh của thành phố lên Đà Lạt báo cáo cho các đồng chí trong Bộ Chính trị, trong đó có các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công…trực tiếp nghe tình hình và sau đó, các đồng chí đã về thành phố kiểm tra tính xác thực tại các cơ sở. Thực tiễn sinh động đã giúp các đồng chí lãnh đạo thấy rõ phải dứt khoát bỏ cơ chế cũ, xây dựng và thực hiện đường lối mới.

Bà Phạm Phương Thảo cho rằng, những bài học từ thời đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn làm cho các thế hệ lãnh đạo thành phố hết sức tâm đắc, đó là phải sâu sát với thực tiễn, bởi thực tiễn đã chỉ ra những cách làm đúng. Tuy nhiên, cái mới không dễ được chấp nhận. Cần phải bằng thực tế với cung cách làm ăn hiệu quả mới có thể thuyết phục nhằm thay đổi dần được cách nghĩ, cách điều hành theo lề lối cũ. Từ thực tiễn TP.HCM đã góp phần quan trọng vào nội dung đường lối đổi mới của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng.

Cũng trong ngày hôm qua, 22-6, Bộ VHTT&DL phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm tư liệu chủ đề “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và sự nghiệp đổi mới đất nước”.

Triển lãm trưng bày gần 1.000 tư liệu bao gồm sách, báo, các bài viết, phim tư liệu… về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và công cuộc đổi mới thông qua 2 nội dung trưng bày. Phần thứ nhất bao gồm: “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất của nhân dân Việt Nam”, giới thiệu về “Hưng Yên- địa linh nhân kiệt, quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh”, với các tư liệu về vùng đất và những người con nổi tiếng của Hưng Yên đã ghi dấu trong lịch sử; cùng tập hợp các tác phẩm, bài viết, bài nói chuyện của Tổng Bí thư trên các lĩnh vực quân sự, quốc phòng, định canh, định cư, phân phối, lưu thông; đổi mới… Cùng đó là việc giới thiệu 27 bài báo của Tổng Bí thư trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân dân với bút danh N.V.L từ ngày 25-5-1987 đến ngày 28-9-1990…

Ở phần 2 với chủ đề “Sự nghiệp đổi mới” giới thiệu về “Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam” với các tư liệu viết về Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội mở đầu cho sự nghiệp đổi mới và vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; Các chính sách, chiến lược của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp đổi mới; “Thành tựu của sự nghiệp đổi mới” là tư liệu viết về các thành tựu Việt Nam đã đạt được sau 30 năm đổi mới trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế từ năm 1986 đến nay.

Triển lãm đến hết ngày 27-6 tại Hà Nội, sau đó sẽ tiếp tục được chuyển đến Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên để trưng bày trong 2 ngày 29,30-6.

Quốc Định - Hoàng Minh