Chung sức đảm bảo an ninh Biển Đông
Với việc gây hấn ở Biển Đông, Trung Quốc đã làm cho các nước quan ngại bao nhiêu thì việc Malaysia cùng Việt Nam phối hợp vây bắt bọn cướp biển gần đây đã hé lộ cho các nước Đông Nam Á (ASEAN) cùng nhau chung sức đảm bảo an ninh ở Biển Đông bằng cách đem lại hiệu quả nhanh nhất, ít tốn kém nhất. Việc vây bắt bọn cướp biển được tiến hành nhanh chóng là nhờ có sự chung sức, phối hợp chặt chẽ của hai nước.
Gần đây bọn hải tặc đã gây ra nhiều vụ cướp biển tại Biển Đông. Hành vi của chúng ngày càng táo tợn. Nhưng an ninh Biển Đông không chỉ bị đe dọa bởi bọn cướp biển. Biển Đông đang bị đe dọa bởi nguy cơ mất an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Nguy cơ mất an ninh truyền thống gồm: hành vi xâm lược, tranh chấp chủ quyền. Nguy cơ mất an ninh phi truyền thống gồm: cướp biển, thiên tai, buôn lậu, buôn người, di cư bất hợp pháp, đánh bắt cá trái phép, phá hoại môi trường biển.
Tất cả các nước Đông Nam Á đều có bờ biển tiếp giáp với Biển Đông, có vùng biển chồng lấn lẫn nhau. Người và phương tiện hoạt động trên Biển Đông thiếu khí tài hỗ trợ khó có thể phân biệt đâu là ranh giới vùng biển quốc tế, đâu là vùng lãnh hải của nước có chủ quyền. Bởi vậy các nước có vùng lãnh hải tiếp giáp nhau hoặc chồng lấn lên nhau, cho dù đã có sự phân định rạch ròi hay chưa, đều có thể ký kết những thỏa thuận song phương hoặc đa phương để đảm bảo an ninh truyền thống và phi truyền thống trên vùng biển thuộc quyền. Các nước ASEAN, kể cả với những nước ngoài ASEAN, có thể tổ chức những cuộc tuần tra chung bằng máy bay hoặc bằng tàu cảnh sát biển để đảm bảo an ninh chung ở Biển Đông. Làm như vậy, các nước có thể ngăn ngừa vi phạm từ gốc.
Trong tất cả những kết quả của sự chung sức có thể dự báo được trước thì kết quả lớn nhất là củng cố lòng tin giữa các nước. ASEAN có nhanh chóng trở thành cộng đồng vững chắc trên ba trụ cột: Kinh tế, an ninh, văn hóa hay không một phần rất lớn tùy thuộc vào sự nghiệp xây dựng, củng cố lòng tin giữa các nước trong khối.