Bó hẹp phạm vi trưng cầu ý dân là không ổn

Hoài Vũ (thực hiện) 24/06/2015 09:13

ĐBQH Phạm Trường Dân (Quảng Nam) đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với ĐĐK về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Trưng cầu ý dân.

PV: Thưa ông, hiện cá nhân ông còn băn khoăn về vấn đề gì trong dự thảo Luật Trưng cầu ý dân?

Bó hẹp phạm vi trưng cầu  ý dân là không ổn

Ông Phạm Trường Dân: Tôi thấy, phạm vi trưng cầu ý dân còn quy định chung chung. Vấn đề Hiến pháp thì rõ rồi, nhưng các vấn đề quan trọng khác là vấn đề nào? mà thuộc phạm vi của cả nước phải trưng cầu ý dân thì cần phải đặt ra, làm rõ.

Ngoài vấn đề trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước, thì vấn đề liên quan đến địa phương, có thể là vấn đề của một vùng gồm nhiều tỉnh cùng liên quan thì cũng nên tính đến việc trưng cầu ý dân. Ví dụ như vấn đề biên giới, bờ biển, liên quan đến vài địa phương thì cần trưng cầu ý dân chứ không cần thiết cả nước. Về thẩm quyền trưng cầu ý dân nếu theo một vùng thì có thể kiến nghị của chính quyền địa phương, hay chính quyền các địa phương kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vấn đề đó. Chính quyền ở đây có thể là UBND hoặc HĐND kết hợp với đoàn ĐBQH của địa phương. Trên cơ sở đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa ra Quốc hội xem xét quyết định. Cho nên chúng ta cần tính đến việc mở rộng ra chứ nếu chúng ta bó hẹp theo phạm vi cả nước như trong Dự thảo.

Ngoài ra, hiện cử tri tham gia trưng cầu ý dân thì Dự thảo Luật đang thiếu hẳn một bộ phận, đó là thiếu cử tri là người bị tạm giữ, tạm giam, người đưa vào cơ sở bắt buộc giáo dục. Cách tổ chức trưng cầu ý dân ở khu vực có người bị tạm giam, tạm giữ, người ở cơ sở chữa bệnh bắt buộc thì tính toán làm sao cho phù hợp và khớp với Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, và bầu cử đại biểu HĐND. Vì trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND có quy định, nhưng Luật Trưng cầu ý dân lại không có đặt ra vấn đề này.

Theo ông những nội dung nào nên đưa ra trưng cầu ý dân?

- Trong Dự thảo còn đang quy định chung chung. Tôi muốn cụ thể hơn. Không phải liệt kê ra nhưng phải nêu ra được các vấn đề lớn cần đưa ra trưng cầu ý dân chứ không thể quy định chung chung. Cụ thể để cho người dân biết và chủ động trước. Khi họ nghiên cứu luật họ biết vấn đề nào có thể trưng cầu ý dân thì cứ thế mà làm thôi.

Vậy kết quả trưng cầu ý dân, thưa ông?

- Phải theo quyết định của dân. Khi dân đã bày tỏ quan điểm trước các vấn đề quan trọng của đất nước thì phải theo ý dân, phải tuân theo kết quả trưng cầu ý dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoài Vũ (thực hiện)