Trăn trở tác quyền âm nhạc

Phúc Duy 24/06/2015 10:59

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ 9 (nhiệm kỳ 2015 – 2020) diễn ra từ ngày 22 đến 25-6 tại Hà Nội. Tại đây, câu chuyện tác quyền âm nhạc được các nhạc sĩ đặc biệt quan tâm, trong khi đó từ nhiều năm qua, vai trò của hội nghề nghiệp này khá mờ nhạt khi đứng ra bảo vệ quyền tác giả...

Trăn trở tác quyền âm nhạc

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận tiền bản quyền cao nhất năm 2014

Bảo vệ tác quyền: trông chờ chủ yếu vào VCPMC

“Có còn hơn không” là chia sẻ của nhiều nhạc sĩ khi đề cập tới thực trạng bảo vệ quyền tác giả âm nhạc hiện nay tại Việt Nam. Cho dù, trong năm 2014, tổng số tiền mà Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thu về là hơn 67 tỷ đồng sau thuế. Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC đánh giá: Hoạt động năm 2014 của VCPMC dù diễn ra khá vất vả vì vẫn có những đơn vị cố tình chây ì, gây bão truyền thông, trốn tránh không trả tiền nhưng cũng rất thành công. Đáng mừng, uy tín của trung tâm được thể hiện ở sự tín nhiệm, gửi gắm của hàng trăm nhạc sĩ gia tăng tại trung tâm mỗi năm. Đến tháng 1-2015, có 3.116 nhạc sĩ ký hợp đồng ủy thác tại VCPMC. Trong đó, số lượng các nhạc sĩ trẻ chiếm 50% tổng các thành viên.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp, Hội Âm nhạc TP.HCM nhìn nhận: Vấn đề bảo vệ tác quyền hiện nay do VCPMC thực hiện đã dần dần đi vào nếp. Nghệ sĩ đã có thể sống bằng tiền tác quyền của mình, mặc dù như thông tin từ trung tâm phần thu được chỉ chiếm được 20% lượng đang phát hành, và phần thu được là 20% của tổng các ca khúc đang sử dụng. Nhưng đã có nhiều nhạc sĩ thu được nhiều tiền từ trung tâm, kể cả những người có số lượng sáng tác hạn chế, thì từ nhiều nguồn thông tin cũng nhận được những phần tiền nhất định gọi là vừa an ủi, vừa động viên và tái tạo sức lao động.

Nói về tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc tràn lan hiện nay, có thể thấy, không chỉ Hội Nhạc sĩ VN thiếu vai trò trong vấn đề bản quyền, mà ngay cả Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) cũng “bó tay”. Thực tế, việc hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp quy cho thấy tính công khai minh bạch trong việc thực thi bản quyền tác giả, quyền liên quan chưa rõ ràng. Việc thu phí bản quyền âm nhạc hiện nay cũng chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng. Việc quản lý và thực thi bản quyền âm nhạc tại VN vẫn xuất hiện sự chồng chéo trách nhiệm và quyền hạn giữa các nhà quản lý.

Đến nay, chỉ có VCPMC là đơn vị đứng ra để bảo vệ quyền lợi cho nhạc sĩ. Nhưng cái khó nhất là VCPMC chưa có tính pháp lý. Bởi nếu có tính pháp lý thì không có chuyện nhạc sĩ Phó Đức Phương phải đứng “tay đôi” với nhà sản xuất biểu diễn trong liveshow Khánh Ly hồi tháng 5-2014. Hiện nay chúng ta vẫn trông chờ vào sự tự tôn trọng của người nghệ sĩ và nhà tổ chức biểu diễn. Bởi chưa có tính pháp lý thì nhà tổ chức chỉ cần giấy phép của Sở chủ quản là có thể biểu diễn. Còn nếu VCPMC có tính pháp lý mà không có chữ ký đã trả tác quyền thì nhà tổ chức vẫn chưa đủ quyền để biểu diễn. Điều đó cho thấy vẫn có các hoạt động theo kiểu “đi đêm”. Bởi công bằng mà nói, khi xin phép tổ chức biểu diễn, thì việc đầu tiên là phải có hợp đồng có số lượng tác phẩm, bài hát đóng tiền tác quyền của VCPMC, thì Sở mới được cấp phép. Như vậy, nhắc lại vụ lình xình của ca sĩ Khánh Ly chưa có tác quyền tại sao lại được cấp giấy phép? Cái đó đi ngược quy trình nên mới xảy ra chuyện gây tranh cãi. Và rõ ràng VCPMC rất cần hoàn thiện tính pháp lý.

Trăn trở tác quyền âm nhạc - 1

Tác quyền vẫn là vấn đề gây tranh cãi từ nhiều năm qua

Vai trò của Hội còn mờ nhạt…

Đề cập tới việc bảo vệ quyền lợi cho hội viên trong vấn đề tác quyền tại Đại hội lần này, Thiếu tướng - nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: VCPMC trực thuộc Hội Nhạc sĩ VN. Trên thực tế Trung tâm có hoạt động tài khoản, con dấu và kiểm toán Nhà nước... Nhưng đôi khi Hội Nhạc sĩ chưa nắm bắt được hoạt động mang tính độc lập của Trung tâm. Ở nhiệm kỳ này, Hội sẽ có những thảo luận, đặc biệt là sẽ bàn cách để có gắn kết giữa trung tâm và cơ quan chủ quản Hội Nhạc sĩ VN. “Sau đại hội này chúng tôi sẽ có phương hướng, chỉ đạo sát sao để đảm bảo quyền lợi cho hội viên”, nhạc sĩ Đức Trịnh nhấn mạnh.

Về quản lý nhà nước cho thấy còn rất nhiều mặt hạn chế: Cụ thể Bộ TT-TT thực hiện chức năng quản lý các lĩnh vực công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử. Nhưng chức năng quản lý về quyền tác giả, quyền liên quan lại thuộc Bộ VHTT&DL. Vì thế, Bộ TT-TT không thể trực tiếp xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Tới nay cũng chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa hai bộ trong hoạt động thanh tra và xử lý vi phạm về bản quyền trong các lĩnh vực của Bộ TT-TT. Cộng thêm lực lượng thanh tra mỏng, chế tài thấp, chúng ta đang có một môi trường dung dưỡng vi phạm bản quyền tác giả.

Ngày 23-6, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ VN lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã chính thức khai mạc. Đại hội có sự tham dự của 487 đại biểu đến từ 46 chi hội của Hội Nhạc sĩ trên cả nước. Theo TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, từ năm 2010 - 2015, âm nhạc Việt Nam đã có nhiều bước chuyển biến ở cả ba dòng chảy chính của âm nhạc là âm nhạc truyền thống, âm nhạc hàn lâm - kinh điển và âm nhạc đại chúng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là mảng ca khúc thịnh hành đang chủ yếu phát triển về số lượng, trong khi chất lượng còn nhiều điều cần bàn. Vấn đề sáng tác, tính dân tộc và làm sao để định hướng, hạn chế tình trạng bát nháo, hiện tượng thẩm mỹ âm nhạc lệch chuẩn của một bộ phận công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ cũng rất được các đại biểu quan tâm và Hội Nhạc sĩ phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong thời gian tới...

Phúc Duy