Mua nhà trên giấy: Được bảo lãnh thế nào?
"Từ 1-7 tới đây, người mua nhà chắc chắn sẽ phải trả giá cao hơn khi mua một dự án nhà ở hình thành trong tương lai”- đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí toàn cầu tại buổi tọa đàm “Bảo lãnh dự án bất động sản - Liệu có rủi ro?”, do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều qua (24-6).
Nguồn: bizlive.vn
Về quy định phí bảo lãnh dự án BĐS được đưa ra trong Luật Kinh doanh bất động sản sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7- 2015, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng điều đó sẽ giảm thiểu những rủi ro đối với người mua nhà hình thành trong tương lai, quy định này cũng sẽ tăng trách nhiệm của các chủ đầu tư, đốc thúc các chủ đầu tư phải thực hiện các hợp đồng về “nhà ở trên giấy” một cách nghiêm túc…
Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn rằng, khi các DN phải bỏ ra một mức chi phí để bảo lãnh dự án BĐS của mình thì chắc chắn giá nhà đến tay người mua sẽ tăng lên. Nhiều người dân cũng thắc mắc: nếu chủ đầu tư không bàn giao nhà theo đúng cam kết thì nhà đầu tư, người mua, thuê nhà có được bồi thường và nhận lại tiền đặt cọc hay không?
Tại buổi tọa đàm, trả lời những băn khoăn này, ông Vũ Văn Phấn- Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, với quy định mới này trong Luật Kinh doanh BĐS, điều đầu tiên nhìn thấy ngay là đồng tiền của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo hơn khi mua nhà ở hình thành trong tương lai. “Dự án được bảo lãnh là dự án đã được ngân hàng thẩm định về chất lượng, tiến độ thi công, năng lực của nhà đầu tư… Cho nên, chắc chắn sau khi quy định này được thực thi, giao dịch trên thị trường BĐS sẽ nóng hơn, các dự án nhà ở hình thành trong tương lai sẽ được bán chạy hơn”- ông Phấn khẳng định. Bởi vậy, theo ông Phấn, người dân không nên quá bận tâm về tiến độ của dự án hay các cam kết của chủ đầu tư có thực hiện đúng hay không. Bởi nếu thực hiện sai, chủ dự án sẽ phải chịu trách nhiệm.
Đối với lo ngại về việc giá nhà sẽ tăng vì DN phải bù vào chi phí khi thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo lãnh dự án nhà ở hình thành trong tương lai, ông Nguyễn Quốc Hiệp- Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí toàn cầu khẳng định: Việc giá nhà sẽ tăng chắc chắn là sẽ xảy ra. Bởi, DN đóng phí bảo lãnh cho dự án đó cho ngân hàng nghĩa là đã đảm bảo độ an toàn cho dự án nhà ở đó mà người tiêu dùng bỏ tiền ra mua, nên nếu giá nhà có tăng đôi chút thì người tiêu dùng cũng nên bằng lòng vì suy cho cùng, việc đưa ra quy định này cũng chính là bảo vệ quyền lợi của họ. Tuy nhiên, để giảm bớt gánh nặng về phí bảo lãnh trên vai DN cũng như người mua nhà, ông Hiệp đề xuất, NHNN nên cho phép DN kinh doanh BĐS thế chấp bằng các tài sản khác để giảm mức phí bảo lãnh BĐS, như thế giá nhà khi đến tay người tiêu dùng sẽ không chịu áp lực nhiều từ phí này.
Ông Hiệp cũng cho rằng, việc đưa ra quy định về phí bảo lãnh BĐS giống như một tấm lá chắn thứ hai bảo vệ quyền lợi của người mua nhà. Theo đó, nếu chủ dự án chậm nộp tiền bao nhiêu ngày sẽ phải nộp phạt một khoản tiền như trong hợp đồng đã ký.
Tuy nhiên, ông Hiệp cũng bày tỏ băn khoăn về mức phí bảo lãnh. Theo ông, NHNN cần phải có một khung phí hợp lý để các DN có cơ sở thực hiện. Trả lời băn khoăn này, ông Đoàn Thái Sơn- Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay: Mức phí cao hay thấp còn tùy thuộc vào nghiệp vụ của mỗi ngân hàng thương mại trong việc điều tra, xem xét dự án đó có khả thi hay không, tiến độ nhanh hay chậm. Ông Sơn cũng cho rằng, trước mắt, mức phí bảo lãnh nên để các ngân hàng và DN tự thỏa thuận, nhưng về lâu dài, cũng nên xem xét về mức độ tín nhiệm của các DN kinh doanh BĐS.