Về miền đá ong
“Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ Em đã bao ngày lệ chứa chan…” Câu thơ của thi sĩ Quang Dũng đã đưa chúng tôi trở về miền đá ong Xứ Đoài vào một ngày nắng hạ. Vùng đất Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất lâu nay vẫn được coi là “miền đá ong”, thậm chí ngày nay dưới bàn tay khéo léo của những người thợ, những vỉa đá ong thô cứng bỗng trở thành những “tuyệt tác” có dáng có hồn.
Ngôi nhà kết từ hàng vạn viên đá ong của gia đình ông Nho
Từ vật liệu xây dựng
Đã bao lần đi qua dải đất Quốc Oai - Thạch Thất - Bình Yên - Sơn Tây (Hà Nội) là bấy nhiêu lần tôi cứ miên man nghĩ về đá ong. Có thể bắt đầu bằng một ngôi nhà cấp bốn đang được phá đi xây mới. Ngôi nhà này chúng tôi có lần đã từng dừng lại rất lâu, trầm trồ trước những bức tường đá ong quấn quýt những cây dây leo bung hoa rực rỡ. Ấy vậy mà bây giờ, khi điều kiện kinh tế khá lên, ông chủ liền đập đi xây mới. Một ngôi nhà tầng cao chót vót với những cửa kính khung nhôm…
Nhưng cũng có lần, chúng tôi lại ngạc nhiên quá đỗi, khi một ngôi nhà cổ truyền được dựng lên, toàn bộ các bức tường và hàng rào bao quanh bằng đá ong. Mà toàn là đá ong mới. Một màu vàng óng mà đi từ xa người ta đã có thể nhìn thấy. Đó là ngôi nhà của ông Nguyễn Xuân Nho, một người có thời gian làm lính đặc công. Sau khi xuất ngũ, ông lao vào làm ăn. Mà làm ăn gặp thời, có của ăn của để, thành thử ông Nho nuối tiếc về ngôi nhà xưa của cha ông mình. Ông cũng muốn lưu giữ hồn cốt của xứ Đoài quê hương. Vì thế, ông đã bàn bạc trong gia đình, cùng con trai đầu tư hơn 8 tỷ đồng để dựng 2 ngôi nhà đá ong với ao cá, gốc sung khiến ai đi qua cũng phải trầm trồ.
Ba thầy trò Đường Tăng
Miền đất xứ Đoài “khô nhiều ngấn lệ” nổi tiếng đã lâu. Nhưng đá ong ở đây đã trở thành nét đặc trưng, thậm chí làm nên một phần cái hồn cốt của vùng đất xứ Đoài. Đình đền, chùa miếu, thành cổ Sơn Tây được xây bằng đá ong; cổng làng cũng được “kết” từ mấy vạn viên đá ong, rồi đến cả những bậc cầu ao, kè giếng… đâu đâu cũng thấy đá ong.
Sống giữa miền đá ong khiến cuộc sống người dân khó khăn vì thiếu nước để sản xuất, sinh hoạt. Nhưng bao đời nay, họ đã biết “sống chung với đá”, cải tạo đá, biến đá ong trở thành những vật liệu xây dựng, làm thành một không gian làng quê độc đáo ở xứ Bắc.
Đá ong có tên khoa học là laterit, loại đá có chứa đến vài chục phần trăm sắt. Đặc tính của đá ong là ở dưới nước sâu là mềm, thấm nước vì có nhiều lỗ hổng nhưng khi đào và đưa lên mặt đất thì kết dính và tạo thành đá rắn chắc. Tuy vậy, xưa kia, đá ong thường được quan niệm là gắn với sự... nghèo. Có nghèo mới phải “tận dụng” thứ đất đá khắc nghiệt của thiên nhiên, có sẵn xung quanh ấy để xây nhà dựng cửa, khỏi phải đi mua. Nhưng cũng chính nhờ thế, ngày nay ta mới có được những ngôi làng Việt cổ kính, như làng cổ Đường Lâm với những ngôi nhà đá ong hàng trăm năm tuổi. Đó là không gian sống đã tưới tắm tâm hồn bao nhiêu người.
Đôi voi
Bây giờ thì ngược lại. Chỉ những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả mới đủ tiền xây nhà toàn bằng đá ong. Bởi giá một mét tường đá ong cũng xấp xỉ vài triệu đồng. Dù đắt, nhưng một số người có tiền và ưa hoài cổ thì thay vì xây những ngôi nhà cao tầng bề thế đã tìm về nét xưa cũ, chọn đá ong làm vật liệu để dựng nhà cửa. Những viên đá ong xù xì, lồi lõm được đẽo một cách sơ sài xưa kia, giờ được chọn kỹ, mài phẳng. Khi xây thành tường vừa đảm bảo độ phẳng mà vẫn toát lên vẻ mộc mạc, giản dị. Đặc tính của nhà đá ong là mùa hè thì mát mẻ như được ở trong hầm sâu, còn mùa đông lại ấm áp do chất đá dày, ngăn chặn sự thoát nhiệt. Ai có được ngôi nhà như thế đều tự hào lắm, và mặc nhiên người ta sẽ đoán ngay chủ nhân là người giàu có, chịu chơi.
Con trâu
“Thổi hồn” cho đá ong
Nhưng về miền đá ong thời gian gần đây, người ta hẳn sẽ ngạc nhiên hơn, khi mà những vỉa đá ong đã được khai thác không chỉ để phục vụ việc xây tường, xây cổng. Bây giờ, đá ong còn được bàn tay người thợ tài hoa của miền đá thổi hồn để những khối đá ong tưởng chừng vô cùng cứng rắn, xù xì bỗng chốc nở hoa, thành những tác phẩm lạ mắt, trở thành “đặc sản” của miền đá ong xứ Đoài.
Thực ra, nhiều vùng trung du, đồi núi đều có những vỉa đá ong. Tuy vây, chỉ có đá ong ở xã Bình Yên, Thạch Thất mới có chất lượng ổn định, tốt nhất. Những vỉa đá ong lớn, tích tụ dưới lòng đất lâu năm, có màu vàng tươi ngả sang đỏ rất đẹp. Đá ong ở các thôn Yên Mỹ, Sen Chi, Cánh Chủ… của Bình Yên có hai loại: đá lộ thiên và đá nằm sâu dưới đất. Những ngôi nhà, bờ tường nơi đây, dù được dựng mới hay đã từ lâu năm vẫn giữ được màu sắc tươi tắn chứ không hề bị bạc màu, thâm xỉn như đá ong ở các nơi khác.
Đá ong được đánh thành những khối kích thước khác nhau
Đến Bình Yên bây giờ không khó để bắt gặp những xưởng chế tác đá ong. Nằm ngay đường liên xã là cơ sở chế tác của nghệ nhân Tăng Hữu Dũng. Ai đi qua cũng đều ngạc nhiên, trầm trồ và đều phải dừng lại để chiêm ngưỡng. Giữa những khối đá đồ sộ hay bé nhỏ để ngổn ngang nổi bật lên là những tác phẩm đã thành hình. Đây là con sư tử chặn chân lên quả cầu hay tọa lạc oai vệ. Kia là những chú chuột, chú trâu ngộ nghĩnh đáng yêu. Xa xa lại là những đầu rồng, voi, hổ lực lưỡng. Lại còn có cả những trụ đèn, lộc bình, chậu hoa, giếng nước... Thấp thoáng bên trong xưởng chế tác đó, dù trời đông tháng giá hay tiết hè nóng nực, lúc nào cũng thấy những người thợ ướt đẫm mồ hôi. Tiếng đục đẽo chí chát, tiếng máy mài rè rè, thi thoảng người thợ dừng lại, lùi xa ngắm nghía, lúc gật gù tâm đắc, lúc lại lắc đầu tỏ ý chưa vừa lòng. Rồi họ lại tiến về bên cạnh khối đá, đục đẽo cho thật ưng ý mới thôi. Theo ông Dũng, làm nghề này phải có đam mê và chịu được khổ. Lúc nào người cũng dính bụi, và vào những tháng mùa hè như thế này thì nhiều lúc phải phơi người giữa nắng như hun.
Anh Chắt - một người thợ đang tạo hình cái lu và con gà từ khối đá ong chừng 1m3 trong bãi đá ong của ông Tăng Hữu Dũng thì quả quyết:
- Làm nghề này không khó đâu. Làm nhiều thì nó quen thôi mà.
Nói rồi anh vuốt mồ hôi bảo:
- Nhưng cũng phải chịu khó, kiên trì. Người nóng vội chắc cũng khó mà tạo được những sản phẩm đẹp mắt.
Cũng theo anh Chắt, nguồn đá ong đẹp ở quanh đây ngày càng cạn kiệt. Những chỗ dễ khai thác giờ cũng hết rồi, giờ phải khai thác ở những khu vực khó khăn hơn.
Anh Chắt đang “thổi hồn” cho đá ong
Để tạo ra được những “tuyệt tác” độc đáo từ đá ong, đầu tiên các “nghệ nhân” phải chọn được những khối đá ong tốt, với kích thước phù hợp, rồi dùng thuổng, dùng dao gọt đẽo dần dần, theo những hình tượng mà mình đã phác ra. Điều đặc biệt, đá ong rất giòn, nếu sử dụng cưa máy để cắt đá thì coi như hỏng, vì động vào là cả khối đá lớn sẽ vỡ toác ra ngay. Khai thác được một phiến đá từ dưới lòng đất lên coi như là “thi gan với đá”, lấy sức da thịt mềm yếu của con người để đối chọi với cứng rắn ngàn năm. Rồi khi đá thành hình khối, có thần thái, tinh xảo thì mới làm cho nhẵn, cho đẹp.
Ông Trần Văn Nghiêm - người có vườn tượng đá ong độc đáo ở Bình Yên (Thạch Thất) thì để tạo ra tác phẩm như thế này người thợ đều tự tưởng tượng ra, thành phẩm như thế nào là phụ thuộc vào tay nghề, sự tỉ mỉ, khéo léo của người làm chứ chẳng hề được đào tạo, cũng chẳng theo một mẫu thiết kế nào. Chính bởi vậy, nghề này không phải là nghề cha truyền con nối, chỉ có thể truyền đạt cho nhau những kinh nghiệm, bí quyết nho nhỏ mà thôi.
Những sản phẩm nghệ thuật từ đá ong này thường làm theo đơn đặt hàng của các cơ quan, các khu du lịch, hoặc các gia đình muốn lưu giữ nét văn hóa của dân tộc. Vì hoàn toàn thủ công, với xà beng, dao, đục… và sản xuất từng chiếc một nên giá cả cũng khá cao. Thông thường những con giống nhỏ thì từ 2-4 triệu đồng, nhưng cũng khi lên tới cả 80-90 triệu đồng, như đôi voi to lớn. Tuy vậy, không phải ai cũng có khả năng chế tác đá, mở xưởng. Bởi không chỉ phụ thuộc vào mặt bằng, vốn, nguyên liệu mà cái chính là sự khéo tay, kiên trì, có con mắt nghệ thuật… |