Chuyện nghị trường: Lời "nhắn nhủ" trước lúc thông qua dự án Long Thành
Như vậy với đa số phiếu thuận, chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, trước lúc bấm nút thông qua đã có nhiều lời “nhắn nhủ” gửi cho dự án và đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình tối đa.
Đó là Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu: "Lưu ý rút kinh nghiệm công tác di dân, tái định cư đối với các công trình quan trọng quốc gia đã thực hiện để bảo đảm người dân di dời sớm ổn định cuộc sống, có nhà ở, đất canh tác, chuyển đổi nghề nghiệp. Chính phủ cần có biện pháp quản lý, khai thác hiệu quả đất chưa sử dụng, không để đất trống gây lãng phí."
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành cho thấy: Các ý kiến phát biểu tại Hội trường và gửi ý kiến tham gia bằng văn bản đều tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án Cảng HKQT Long Thành. Một số ý kiến cho rằng do tính cấp thiết của Dự án, đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư để sớm đưa Dự án vào khai thác. Có ý kiến cho rằng việc quy hoạch, quản lý quy hoạch, chủ trương đầu tư phải có tầm nhìn lâu dài; tăng cường công tác giám sát của các cấp, các ngành, đặc biệt vai trò giám sát của Quốc hội, kết quả giám sát cần phải công khai để người dân biết.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến yêu cầu phải tăng tính công khai, minh bạch, tính chịu trách nhiệm, phải có những giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong quá trình đầu tư, ngăn chặn không để nhóm lợi ích chi phối quá trình triển khai thực hiện Dự án; bảo đảm suất đầu tư, chất lượng, công nghệ tương đương với các cảng hàng không hiện đại khác trong khu vực; đảm bảo nguồn nhân lực vận hành, năng lực cạnh tranh và yêu cầu phải đạt hiệu quả kinh tế - xã hội.
Tiếp thu các ý kiến trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết. Chính vì vậy, tại Nghị quyết được Quốc hội thông qua đã yêu cầu: "Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này".
Có ý kiến đề nghị làm rõ phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhất là phương án hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân có đất thu hồi; phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư cần phải thực hiện đúng theo Luật đất đai và phải đảm bảo nguyên tắc ổn định đời sống, phát triển sản xuất của người dân của vùng Dự án.
Cũng tại phiên họp sáng nay (25-6), Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết: UBND tỉnh Đồng Nai đã có bước chuẩn bị và chủ động tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng quản lý và sử dụng 5.000 ha đất dự kiến xây dựng Dự án như Báo cáo số 886/BC-UBTVQH13 ngày 2-6-2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đồng thời lưu ý rút kinh nghiệm công tác di dân, tái định cư đối với các công trình quan trọng quốc gia đã thực hiện để bảo đảm người dân di dời sớm ổn định cuộc sống, có nhà ở, đất canh tác, chuyển đổi nghề nghiệp. Chính phủ cần có biện pháp quản lý, khai thác hiệu quả đất chưa sử dụng, không để đất trống gây lãng phí.
Về việc có ý kiến đề nghị làm rõ Chính phủ chỉ đạo lập Báo cáo nghiên cứu khả thi từng giai đoạn của Dự án báo cáo Quốc hội quyết định hay chỉ là báo cáo Quốc hội biết. Có ý kiến đề nghị báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định đầu tư từng giai đoạn. Chính vì vậy trên cơ sở đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và quy định rõ như sau: “Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của Dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư”.