Ký kết Hợp đồng tín dụng tài trợ vốn dự án nhà máy xi măng Sông Lam
Ngày 15/4/2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Công ty CP Xi măng Sông Lam (Thuộc Tập đoàn Vissai ) đã ký kết Hợp đồng tín dụng tài trợ vốn dự án nhà máy xi măng Sông Lam. Đến dự và chứng kiến Lễ ký kết có đại diện Lãnh đạo Bộ Xây dựng; Lãnh đạo Tỉnh Nghệ An, Ninh Bình…
Dự án nhà máy xi măng Sông Lam tiền thân là dự án xi măng Đô Lương do Công ty CP Xi măng Đô Lương làm chủ đầu tư được triển khai tại Xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ban đầu dự án có công suất 2.500 tấn Clinker/ngày, tương đương 910.000 tấn xi măng/năm, được đầu tư bởi các Tổng công ty nhà nước (Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng Công ty lắp mắy VN (Lilama), TCT Xây dựng số 1). Tuy nhiên do thực hiện đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp, các cổ đông hiện hữu đã xin thoái vốn, không tiếp tục đầu tư và chuyển nhượng dự án. Tháng 4 năm 2014 Tập đoàn Xi măng The Vissai đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần tại Công ty CP Xi măng Đô Lương theo phương thức thỏa thuận. Tập đoàn đã đổi tên dự án thành Nhà máy Xi măng Sông Lam và nâng công suất lên 12.000 tấn Clinker/ngày, tương đương 4 triệu tấn Clinker/năm, với tổng mức đầu tư giai đoạn I của dự án là 9.132 tỷ đồng.
Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Phát Vissai đã và đang là khách hàng truyền thống của BIDV và Techcombank. Đến nay, BIDV đã đồng hành tài trợ vốn cho nhiều dự án lớn của Tập đoàn như Dự án Dây chuyền 1,2 - Nhà máy xi măng Vinakansai, Nhà máy xi măng Vissai Hà Nam…, ngoài ra BIDV còn tài trợ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như cung ứng nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đến Tập đoàn.
Theo hợp đồng tín dụng tại Lễ ký kết, BIDV và Techcombank tài trợ vốn cho dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam với giá trị tối đa 6.047 tỷ đồng (BIDV tài trợ 5.547 tỷ đồng, Techcombank 500 tỷ đồng), thời gian cho vay 12 năm, đồng thời BIDV và Techcombank sẽ cung cấp đầy đủ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng để hỗ trợ cho chủ đầu tư hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Tập đoàn Xi măng The Vissai là doanh nghiệp lớn và đang dần thể hiện được vai trò, tiềm lực trong ngành sản xuất xi măng. Hiện nay Tập đoàn đang đứng vị trí thứ hai về sản xuất xi măng trong nước và đứng đầu về năng lực sản xuất và xuất khẩu xi măng. Sau khi được Chính phủ cho phép chuyển nhượng từ Công ty CP Xi măng Đô Lương, Tập đoàn The Vissai sẽ đầu tư nâng công suất Nhà máy theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2015 – 2016) với quy mô 12.000 tấn Clinker/ngày, tương đương 4 triệu tấn Clinker/năm; Giai đoạn 2 (từ năm 2017 - 2018) có quy mô công suất 2 triệu tấn Clinker/năm. Với việc đầu tư dự án Nhà máy xi măng Sông Lam đã nâng số lượng nhà máy sản xuất xi măng của Tập đoàn lên con số 7 nhà máy, với tổng công suất dự kiến đạt 17 triệu tấn xi măng/năm. Việc mua lại Dự án Xi măng Sông Lam là một phần trong chiến lược phát triển của Tập đoàn The Vissai, tạo năng lực cung ứng xi măng của Vissai tại khu vực miền Trung cũng như trong nước và xuất khẩu, sau khi Tập đoàn này đã khẳng định được năng lực sản xuất và cung ứng tại miền Bắc với các Nhà máy xi măng tại Ninh Bình, Hà Nam, Lạng Sơn…
Theo báo cáo của BMI (Business Monitor International), Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá và phát triển cơ sở hạ tầng. Tốc độ đô thị hoá trung bình hàng năm của Việt Nam vào khoảng 3,4% và ước tính trong 10 năm tới vào khoảng 3%. Tỷ lệ đô thị hoá có thể đạt 35% vào năm 2020, qua đó thúc đẩy việc phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản nói chung và nhu cầu sử dụng xi măng nói riêng. Với việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy xi măng Sông Lam sẽ kỳ vọng đáp ứng nhu cầu xi măng tại khu vực miền Trung trong những năm tới.