Bê bối nghe lén: Mỹ không tha cả các nước đồng minh
Nước Mỹ một lần nữa bị phen mất mặt và làm mất lòng tin của các đồng minh sau khi có thông tin cơ quan tình báo của nước này từng bí mật theo dõi và nghe lén điện thoại của 3 đời Tổng thống của nước Pháp trong suốt khoảng thời gian 2006-2012.
Pháp sẽ phản ứng ra sao khi biết được 3 đời Tổng thống của họ bị Mỹ nghe lén?
3 đời Tổng thống Pháp bị nghe lén
Ngày 24-6, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với Hội đồng Quốc phòng sau khi thông tin nói trên được công bố bởi Wikileaks. Theo các tài liệu mà Wikileaks tung ra cuối ngày 23-6, thậm chí tất cả các cuộc điện đàm qua điện thoại di động của ông Hollande cũng bị nghe lén và ghi âm lại.
Các tài liệu kể trên, được đánh dấu “Tuyệt mật”, đều dựa trên các thông tin thu được từ các cuộc nghe lén điện thoại và lưu lại trong một tài liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) có tiêu đề “Espionnage Elysée” (Theo dõi Điện Elysée), theo tờ Liberation và trang tin điều tra Mediapart của Pháp. Các tài liệu trên đều cho thấy, Mỹ đã nghe lén các cuộc điện thoại của 3 đời Tổng thống Pháp gồm ông Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande.
Các cuộc điện đàm của các đời Tổng thống Pháp, được một đơn vị trực thuộc NSA tổng hợp xử lý, tuy chỉ phơi bày một vài điểm bí mật trong hoạt động ngầm của NSA nhưng lại là chứng cứ rõ ràng nhất cho thấy chính quyền Washington ngấm ngầm theo dõi cả những quốc gia mà họ gọi là đồng minh. Đó là còn chưa kể đến việc họ còn theo dõi cả một số vị Bộ trưởng thuộc Nội các và Đại sứ Pháp tại Mỹ.
“Các tài liệu này gồm “những người được chọn” từ danh sách mục tiêu do thám, có cả số điện thoại di động của hàng loạt quan chức trong Điện Elysée và cả của Tổng thống” – một báo cáo đăng tải trên tờ Liberation của Pháp nêu rõ.
Tài liệu của Wikileaks công bố còn chi tiết đến nỗi đề cập đến việc ông Sarkozy từng quyết định khởi động lại các vòng đàm phán hòa bình Israel-Palestine mà không can dự đến Mỹ. Chúng còn nhắc đến việc Tổng thống Hollande hồi năm 2012 từng lo ngại về việc Hy Lạp phải rời khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) do khủng hoảng nợ công.
Ngoài ra, các tài liệu trên còn cho thấy NSA đã ghi lại hàng loạt các cuộc đàm thoại giữa giới chức Pháp về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tương lai của Liên minh châu Âu (EU), quan hệ giữa Chính phủ ông Hollande và Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel, và ngay cả bất đồng giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Pháp trong vụ bê bối nghe lén mới đây ở nước này.
Nghe lén cả đồng minh
Trang tin điều tra Mediapart thì cho biết: “Trong suốt gần 10 năm qua, Mỹ đã nghe lén nhiều đời Tổng thống Pháp…tất cả đều thuộc dạng thông tin tuyệt mật hoặc “tin tình báo đặc biệt””. Mediapart cho hay trong số 5 tài liệu mà họ công bố thì có 4 tài liệu được đánh dấu G – tức tài liệu cực nhạy cảm – và 1 tài liệu dán nhãn NF – tức không được phép truyền ra nước ngoài trong bất cứ trường hợp nào.
Các tài liệu được Mediapart công bố hôm 23-6 cho thấy Mỹ đã bắt đầu nghe lén các cuộc điện đàm của Tổng thống Pháp Francois Holland kể từ lúc ông chính thức đắc cử vào năm 2012.
Thế nhưng, Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Ned Price lại khẳng định rằng Mỹ không tiến hành bất kỳ hoạt động do thám nước ngoài nào nếu không phải vì mục đích an ninh quốc gia và điều này được áp dụng với tất cả mọi đối tượng, từ các công dân bình thường tới các nhà lãnh đạo các nước trên thế giới.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Pháp Francois Hollande chưa đưa ra lời bình luận nào. Tuy nhiên, một trợ lý giấu tên của ông Nicolas Sarkozy cho biết, vị cựu Tổng thống này xem những hành động do thám của Mỹ là không thể chấp nhận được, nhất là đối với một đồng minh thân cận. Ông Hollande cũng sẽ triệu tập một cuộc họp Hội đồng Quốc phòng để đánh giá về những thông tin trích dẫn từ các tài liệu mới tiết lộ của WikiLeaks.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ bị lên án vì hành động nghe lén. Hồi năm 2013 cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden tiết lộ NSA đã nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel và hàng triệu người dân Pháp, làm dấy lên phản ứng tại châu Âu về việc Mỹ sử dụng hệ thống tình báo của nước này để nghe lén các cuộc hội thoại tại các nước mà họ luôn gọi là đồng minh.