ĐBQH Trần Ngọc Vinh: Không thừa nhận chuyển đổi giới tính chúng ta có vi phạm không?
Đó là vấn đề được ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt ra tại phiên thảo luận về Bộ luật dân sự (sửa đổi) diễn ra chiều 25-6. Bởi theo ông Vinh: Một mặt Nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác. Vấn đề này cũng đã nhận được sự phản ứng gay gắt của nhiều ĐB.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: Quy định về chuyển đổi giới tính tại khoản 2 điều 36 không chỉ là vấn đề nhạy cảm trong xã hội mà còn là một điều khó và mới. Quy định trong dự thảo không thống nhất với nhau. Một mặt Nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác.
Ông Vinh phân tích: "Về nguyên tắc nếu Nhà nước đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì đương nhiên các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng không cho phép thay đổi hộ tịch, quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Do đó quy định như khoản 2 là thừa và không khả thi".
"Nếu không thừa nhận chuyển đổi giới tính thì chúng ta có vi phạm không?. Thực tiễn xã hội hiện nay đã tồn tại người chuyển đổi giới tính, nếu Nhà nước không thừa nhận họ tức là họ phải tiếp tục sống ở ngoài vùng phủ sóng về pháp luật, họ sẽ tham gia, hoà nhập xã hội như thế nào?, các chính sách về y tế, an sinh xã hội có tác động đến họ hay không. Việc thực thi pháp luật về tố tụng hình sự đối với những người chuyển đổi giới tính sẽ được giải thích như thế nào, như về vấn đề tạm giam tạm giữ, thi hành án phạt tù?. Tác động đối với kinh tế xã hội, sức khoẻ, nòi giống và đạo đức truyền thống văn hoá như thế nào nếu công nhận cho phép chuyển đổi giới tính?"-ông Vinh đặt một loạt câu hỏi đề nghị ban soạn thảo làm rõ.
Theo Bùi Mạnh Hùng (Thái Nguyên), quyền xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính là 2 vấn đề khác nhau. Vì thực tế có nhiều trường hợp bị bệnh, bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính, sau đó họ phải nhờ sự can thiệt của y học. Và trường hợp là muốn chuyển đổi giới tính. Vì vậy nên tách làm 2 điều luật là xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính.
Ông Hùng cũng đề nghị, bổ sung nguyên tắc bình đẳng giới vào trong dự thảo luật. Bởi luật sửa đổi đã bao hàm bình đẳng giới nhưng so với luật hiện hành thì chưa thể hiện rõ nét. "Vì trong quan hệ dân sự các bên đều bình đẳng không phân biệt dân tộc, tôn giáo, trình độ học vấn, tuổi tác. Hiến pháp mới cũng đã quy định nguyên tắc bình đẳng và bình đẳng giới. Vì vậy, vấn đề này nên cần có quy định cụ thể, vì một số vùng còn định giới về giới chưa hiểu rõ về giới, nên trong quá trình áp dụng tập quán để xét xử còn xem nặng về giới"-ông Hùng nói.
Thẳng thắn chỉ ra đây là vấn đề "nhạy cảm", bởi thừa nhận hay không thừa nhận không chỉ liên quan đến vấn đề nhân thân mà còn nhiều vấn đề khác nhau như: chăm sóc dịch vụ y tế, hay vấn đề hôn nhân đồng giới, ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho rằng: "Đã không thừa nhận thì nên quy định chặt chẽ trong luật".
Thùy Dương