Vướng vì thiếu đồng bộ

THANH GIANG 26/06/2015 13:50

Từ trước đến nay khi nói đến những vướng mắc trong thủ tục hành chính thì thủ tục của ngành thuế luôn được dư luận xã hội xếp vào hàng nhiêu khê bậc nhất. Doanh nghiệp vẫn không ngừng than phiền về nỗi ám ảnh thủ tục rườm rà. Thế nhưng, có những cải cách thủ tục hành chính tiến bộ, tưởng chừng như được giới doanh nghiệp hân hoan đón nhận, thì lại tiếp tục gặp vướng mắc vì thiếu tính đồng bộ trong quá trình thực hiện.

Hình thức nộp thuế điện tử không mất nhiều thời gian của DN (Ảnh: S.Xanh)

Nhận thức được rõ tầm quan trọng trong hội nhập kinh tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu bức xúc của cộng đồng DN, Chính phủ đã tiến hành cải cách nhằm đơn giản và kéo giảm thủ tục bằng Nghị quyết 19 (Nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia). Mục đích của Nghị quyết này nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và vươn lên thứ hạng trung bình trong ASEAN từ năm 2016. Theo đó, Chính phủ yêu cầu ngành thuế và một vài ngành khác thực hiện đơn giản hóa thủ tục, giảm giờ thực hiện thủ tục nộp thuế. Phấn đấu cắt giảm thời gian làm thủ tục thuế còn 171 giờ trong năm 2015. Song song với việc giảm giờ làm đối với thủ tục nộp thuế, ngành thuế còn triển khai chương trình nộp thuế điện tử. Chính phủ đặt mục tiêu phải triển khai chương trình nộp thuế qua mạng đến tất cả DN nhằm giảm thời gian và chi phí phát sinh. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cải cách thủ tục hành chính góp phần quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bởi, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì năng lực cạnh tranh quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.

Sự chỉ đạo từ Chính phủ đến các bộ, ngành về thể chế - trong đó có cải cách thủ tục của ngành thuế diễn ra khá mạnh mẽ, rốt ráo, quyết liệt. Chính phủ yêu cầu bộ, ngành về cải cách địa phương truyền tinh thần cải cách hành chính đến từng cán bộ, công chức nhằm thực hiện tốt cuộc cải cách nói trên. Tuy nhiên, sau khi tiến hành triển khai tại các địa phương trên cả nước, kết quả có khả quan hơn, song thật sự chưa như ý muốn. Điển hình như việc cải cách thủ tục hành chính thông qua chương trình nộp thuế điện tử. Bộ Tài chính cho rằng, chương trình nộp thuế qua mạng mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đơn cử, DN không phải xếp hàng chờ đợi hàng giờ để nộp thuế, ngân hàng được lợi… Trong đó, lợi của cơ quan thuế khi liên kết với ngân hàng nhằm đặt lệnh thanh toán tự động, vì vậy sẽ phong tỏa tài sản DN cho nên DN không thể nợ lâu được. Theo nhận định của ngành thuế, không thể phủ nhận được lợi ích từ việc nộp thuế điện tử là rất lớn. Vậy tại sao DN lại không mặn mà với hình thức mới này? Hơn 150.000 DN đóng trên địa bàn TP. HCM được xem là thành phố công nghiệp đi đầu trong việc áp dụng chương trình nộp thuế điện tử. Tính từ quý 4 năm 2014 đến cuối tháng 5-2015 thành phố chỉ có 9.545 DN áp dụng hình thức nộp thuế điện tử. Như vậy, sau 9 tháng áp dụng chương trình nộp thuế điện tử tỷ lệ nộp thuế qua mạng chỉ đạt 7%. Điều này chứng tỏ, tốc độ triển khai nộp thuế qua mạng quá chậm chạp. Giải thích lý do nộp thuế qua mạng đạt hiệu quả thấp so với kế hoạch đề ra, một số Cục thuế các tỉnh khẳng định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc triển khai nộp thuế điện tử tại đơn vị còn chưa được như kì vọng. Cục Thuế TP. HCM cho hay, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do thời điểm triển khai nộp thuế điện tử vào cuối năm 2014 đầu năm 2015 khi Cục Thuế TP.HCM phải dồn sức vào việc chuyển đổi hệ thống dữ liệu tập trung, đồng thời phải chuyển trụ sở nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả triển khai nộp thuế điện tử. Nguyên nhân sâu xa hơn cả, mặc dù ngày càng có nhiều các ngân hàng tham gia kết nối nộp thuế điện tử, tuy nhiên ngân hàng còn hời hợt và chưa thực sự quyết liệt tham gia. Không chỉ hệ thống ngân hàng trong nước, mà hệ thống ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài cũng chưa sẵn sàng do còn e ngại về tính bảo mật. Dù Bộ Tài chính chính thức can thiệp nhưng hiện nay, tại TP. HCM chưa có chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện việc nộp thuế điện tử. Ngoài ra, việc chậm nộp thuế qua mạng có phần do DN còn ngại chuyển đổi theo mô hình phát triển công nghệ thông tin, tâm lý muốn cầm và chứng kiến “tiền tươi, thóc thật” vẫn ăn sâu trong cộng đồng DN. Nhìn chung, theo các địa phương thì việc chậm nộp thuế qua mạng hầu hết là do nguyên nhân khách quan.

Trong khi Cục thuế của các tỉnh – thành không ngừng lý giải cho việc chậm triển khai nộp thuế điện tử thì hầu hết DN cho rằng, chương trình nộp thuế theo hình chức mới này chưa nhận được sự hưởng ứng từ phía DN vì liên quan đến mạng. Theo DN, công nghệ thông tin ngày càng tăng tính hiệu quả khi giảm rất nhiều thời gian chờ đợi. Song hệ thống mạng chập chờn tạo hệ lụy bất an cho DN và nguy cơ DN có “tội” không tránh khỏi. Tức là, một tháng cáp quang đứt 2 lần, mỗi lần kéo dài 2 tuần chắc chắn không DN nào dám nộp thuế qua mạng. Thông tin truyền đi chậm vì mất mạng, nghẽn vì mạng thì chỉ chậm nộp một ngày DN cũng phải đóng tiền phạt. Bên cạnh đó một số DN rằng, có năm DN không phát sinh doanh thu nhưng lại phải mất một khoản chi phí cho việc duy trì chữ ký số nên DN không muốn sử dụng chữ ký số để nộp thuế điện tử. Sự bất an về tính hợp pháp hồ sơ khai thuế điện từ, độ an toàn của chữ ký số đang là rào cản lớn khiến DN chần chừ trong tiếp cận kê khai và nộp thuế điện tử.

Do chỉ mới triển khai chương trình nộp thuế điện tử nên tính bắt buộc còn hạn chế, gây khó khăn cho việc triển khai nộp thuế điện tử tại các tỉnh thành. Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, các DN tại các địa phương có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin bắt buộc phải kê khai, nộp thuế qua mạng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, dù đã có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin nhưng việc khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử chủ yếu chỉ mang tính chất vận động là chính vì tư duy “quản lý dựa trên sự nghi ngờ” vẫn còn đậm nét. Rõ ràng, sự thiếu đồng bộ đã khiến cho cải cách thủ tục hành chính thông qua chương trình nộp thuế điện tử đã bị vướng mắc không nhỏ, khiến các DN không mặn mà đón nhận./.

THANH GIANG