Bế mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII: Tiếp tục kỳ vọng

H.Vũ 27/06/2015 07:50

Hôm qua 26-6, sau hơn một tháng tích cực làm việc, kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII chính thức bế mạc. Kỳ họp lần này đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, nhiều ĐB mong muốn kỳ họp thứ 10 tới, cũng là kỳ họp cuối của nhiệm kỳ, Quốc hội cần có sự thay đổi trong chất vấn và trả lời chất vấn để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII chiều ngày 26-6 (Ảnh: Hoàng Long)

Về chương trình kỳ họp

So với kỳ họp trước, thì kỳ họp này các vị ĐBQH đã tham dự các phiên họp đầy đủ hơn, tình trạng vắng mặt cũng ít xảy ra. Song vẫn còn tình trạng nghỉ sớm so với thời gian, xuất hiện ở các buổi thảo luận ở tổ.

Trao đổi với ĐĐK, Quốc hội cần có sự thay đổi như thế nào để thay đổi sắp xếp lịch họp để tất cả các ĐB có thể tham gia nhưng không ảnh hưởng đến công việc chung? ĐB Nguyễn Ngọc Phương- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng đây là việc khó. Bởi theo ông, mỗi người đều có việc khác nhau nên nếu chọn phù hợp với người này sẽ không phù hợp với người khác cho nên phải chấp nhận, phải theo số đông. Chương trình sắp xếp như hiện nay không thể thay đổi. Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định Quốc hội khai mạc vào 20-5 và 20-10 nên căn cứ vào đó các ĐB bố trí công việc để tham dự đầy đủ. Theo ông Phương: "Vì luật quy định như vậy nên trong quá trình họp Quốc hội có những ĐB kiêm nhiệm nên chúng ta đành phải chấp nhận để cho ĐB vắng mặt tại Quốc hội để về địa phương giải quyết công việc".

Bày tỏ cặn kẽ hơn, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng: Việc sắp xếp chương trình kỳ họp Quốc hội chính là do Luật Tổ chức Quốc hội của ta quy định cơ cấu ĐB như vậy. Theo ông Đáng, ngay cả Hiến pháp cũng quy định 1 năm có 2 kỳ họp Quốc hội nên mỗi kỳ họp Quốc hội phải dồn lại từ 1 đến hơn 1 tháng nên tạo ra sự không phù hợp cho sắp xếp công việc nhất là công việc của những ĐB kiêm nhiệm bởi họ là người đảm nhiệm nhiệm vụ tại sở ngành, lãnh đạo địa phương. Theo ông Đáng: Nếu ngồi suốt ở đây thì khó nên họ phải về địa phương giải quyết công việc, nhất là lúc này đang là thời điểm đại hội Đảng các cấp.

Trước vấn đề mà PV ĐĐK đặt ra liệu có thể sắp xếp kỳ họp sao cho hợp lý, ông Đáng cũng đồng quan điểm với ĐB Nguyễn Ngọc Phương: Đây là điều khó. Bởi theo ông, “trước đây khi bàn về Luật Tổ chức Quốc hội cũng như Hiến pháp tôi đã có kiến nghị 1 năm không nên tổ chức 2 kỳ họp, mà nên tổ chức mỗi kỳ 1 tuần và họp trong nhiều tháng sẽ thu hút được ĐB chuyên trách và kiêm nhiệm tham dự cho tốt hơn, thuận lợi cho công tác”. Tuy nhiên, chúng ta đã theo cơ chế hiện hành, luật quy định nên phải chấp nhận. Theo ông Đáng, nhiều ý kiến cũng cho rằng những ngày tập trung đóng góp về luật thì tập trung chủ yếu với những ĐB chuyên trách để đóng góp sâu, còn dành một thời gian nào đó cho ĐB kiêm nhiệm tham gia và biểu quyết. “Như thế là phù hợp hơn nhưng tới thời điểm này tôi thấy rằng cơ chế đó chưa thực hiện được"- ông Đáng nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng ĐBQH tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, ngày 26-6 (Ảnh Hoàng Long)

Bộ trưởng trả lời chất vấn phải đi thẳng vào vấn đề

Nói về sự mong mỏi của mình trong kỳ họp thứ 10 tới, cũng là kỳ họp cuối của nhiệm kỳ, ĐB Nguyễn Ngọc Phương nhận định: Trong kết luận của Chủ tịch Quốc hội khi kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn có nói, kỳ họp thứ 10 có thể nội dung chất vấn có sự thay đổi. Cho nên ĐBQH có thể chất vấn các vấn đề từ kỳ thứ 1 đến thứ 10 xem mức độ xử lý thế nào? cần quan tâm giải quyết như thế nào? Bản thân ông Phương cho rằng kỳ thứ 10- kỳ cuối cùng nên để cho tất cả ĐBQH phát biểu chất vấn các Bộ trưởng về những việc mình làm từ trước tới nay, trong quá trình thực hiện lời hứa thì giải quyết thế nào? Cái gì còn tồn đọng cần phải nêu lên để Bộ trưởng có thể giải quyết tiếp nếu tiếp tục tái cử, hay những Bộ trưởng mới được bổ nhiệm để xử lý trong nhiệm kỳ tới.

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng cũng cho rằng: Chất lượng chất vấn cần được đẩy lên cao hơn nữa. Ông Đáng đặt vấn đề: Vậy kỳ họp tới thực hiện thế nào thì chất vấn cần nên xem xét lại có nên chất vấn theo chuyên đề tập trung hay không? Và tinh thần của chất vấn là ĐBQH thấy những vấn đề gì nóng, bức xúc của xã hội xuất phát từ nguyện vọng của cử tri thì chất vấn. Trong bất cứ hoàn cảnh nào khi ĐB hỏi thì Bộ trưởng phải trả lời. “Cố gắng làm sao để cho các Bộ trưởng trả lời thực chất đi thẳng vào vấn đề, chứ còn nếu không trả lời cho có, trả lời theo kiểu tuyên truyền chính sách công việc của Bộ mình thì không được"- ông Đáng nói.

Ông Đáng cũng cho rằng: Quan trọng là chọn Bộ trưởng nào ra trả lời chất vấn. Bởi hầu như Bộ trưởng nào cũng có vấn đề với dân và được dân quan tâm. Không nên mỗi kỳ chỉ dành cho 4-5 Bộ trưởng, dù có lấy phiếu thăm dò những điều đó không thỏa mãn sự quan tâm của ĐBQH, cử tri. Ông Đáng phân tích thêm: Có trường hợp Bộ trưởng A tại kỳ trước đã được đưa ra chất vấn rồi, đến kỳ này tính thôi thì trong tình hình kinh tế - xã hội có rất nhiều cử tri muốn tiếp tục chất vấn thì phải tiếp tục chất vấn chứ không được thôi. Như thế là không nên. "Theo nguyên tắc chất vấn bất cứ Bộ trưởng nào nếu như ĐBQH muốn chất vấn thể hiện ý chí nguyện vọng của cử tri thì phải có trách nhiệm trả lời giải trình trước diễn đàn Quốc hội. Không nên mỗi kỳ chỉ chọn ra 4-5 Bộ trưởng ra để trả lời thì không thỏa mãn ý muốn chất vấn của cử tri và ĐBQH".

Đoàn kết phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Bằng trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mình trước nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đánh giá mặt được, chưa được, chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực, dự báo nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển, nhất là trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc Trung Quốc tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân và hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Theo Chủ tịch Quốc hội: Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, nâng cao hiệu quả, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế nước nhà, giữ vững đà tăng trưởng, thực hiện thành công tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình kinh tế; mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, kiên quyết đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2011-2015, đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển tiếp theo.
"Sau kỳ họp này, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội kịp thời gặp gỡ, báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri để luôn có tiếng nói đại diện cho quyền lợi của cử tri vào các quyết định của Quốc hội"- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Kéo dài thời gian chất vấn

Vừa rồi Quốc hội cho tranh luận chất vấn lại 3-4 lần nhưng vẫn chưa thỏa mãn- ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nhận xét và thêm: Theo tôi cần kéo dài thời gian nữa mà những vấn đề bức xúc của dân thì cho hỏi luôn để các đồng chí có thể tranh luận. Các Bộ trưởng có thể giải đáp và phải có giải pháp ra ngay lập tức bởi vì các đồng chí là tư lệnh ngành nắm được. Bà An dẫn chứng: "Như vừa rồi việc trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chuyện giải quyết vấn đề phí và lệ phí tôi cho là đạt yêu cầu. Tức là kiến nghị giảm luôn, công khai trước Quốc hội là giảm 14 loại lệ phí và hơn 30 loại phí. Tôi cho rằng cái đó rất cần, thể hiện trách nhiệm, nắm sát của đồng chí, đồng chí dám nói ngay lập tức là tôi đề nghị chứ còn người khác thì lại phải báo cáo, nghiên cứu. Tôi cho rằng đây là một cách mà qua chất vấn đã giải quyết được”.

Bà An cũng đề nghị thay đổi, kéo dài thêm thời gian thảo luận về kinh tế - xã hội vì đây là vấn đề rất quan trọng, vì thế phải kéo dài thời gian để tất cả các tỉnh, các ĐB đăng ký đều được phát biểu. "Vì trong phát biểu của đại biểu có nhiều ý kiến rất là tốt, thậm chí là sáng kiến, đánh giá cho nó chuẩn về tình hình kinh tế - xã hội và đưa ra giải pháp chứ mấy kỳ họp vừa rồi đều có nhiều ĐB chưa được có ý kiến. Tôi cho rằng đó là cái thiệt"- theo bà An.

Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm 15 Thẩm phán Tòa Tối cao

Sáng ngày 26-6, với 89,07% số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) về việc bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC. Trước đó, Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Chánh án TANDTC về việc bổ nhiệm Thẩm phán TABDTC.
Theo đó, 15 người đã được bổ nhiệm Thẩm phán TAND. Sau khi thông qua Nghị quyết bổ nhiệm đối với 15 thẩm phán trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Trong 15 người vừa được bổ nhiệm thẩm phán, có người nhận được phiếu trên 60%, có người trên 70%, nhưng có người trên 90%. Vì thế, những người có phiếu chưa cao cần cố gắng thêm để phấn đấu với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân. Bởi số phiếu cũng coi như là bỏ phiếu tín nhiệm. "Lần đầu tiên trong lịch sử, Tòa án được Hiến pháp giao quyền Tư pháp để bảo vệ Nhà nước, chế độ, nhân dân, đảm bảo cán cân công lý với trọng trách vô cùng to lớn nên vai trò trách nhiệm của Hội đồng thẩm phán vô cùng quan trọng để đáp ứng sự mong mỏi của Quốc hội, của nhân dân"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


Đã có ý kiến về bà Nga khi ứng cử đại biểu Quốc hội

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khi trả lời báo chí về việc bãi nhiệm bà Châu Thị Thu Nga (nguyên ĐBQH TP. Hà Nội) tại buổi họp báo kết thúc kỳ họp diễn ra vào buổi chiều ngày 26-6. Theo ông Phúc, bà Nga đã có ý kiến đơn thư khi ứng cử đại biểu. Tuy nhiên ngay phiên đầu tiên xác định tư cách đại biểu không phát hiện gì. Vừa rồi, sau khi làm bao nhiêu năm mới có đơn tố cáo. Ngay sau đó, xác định tình trạng vi phạm pháp luật và Quốc hội bãi nhiễm do không đủ tiêu chuẩn, mất uy tín với nhân dân. Ông Phúc nói: "Việc này cần rút kinh nghiệm sâu sắc, nhất là việc chuẩn bị bầu cử Quốc hội và HĐND. Phải chặt chẽ ngay từ ban đầu để chọn người xứng đáng là đại biểu của nhân dân".

H.Vũ