Sai thì sửa
Dư luận vẫn chưa hết xôn xao về thông tin một DN may mặc bị tuột mất một hợp đồng với đối tác nước ngoài trị giá khoảng 2 tỷ USD chỉ vì rào cản là… thủ tục. Đó là trường hợp Cty May Hoà Bình có cơ hội được hợp tác với đối tác là quân đội Mỹ với đơn hàng may quần áo, cờ, giày, dép, quân trang trị giá 2 tỷ USD vào năm 2014.
Tuy nhiên, đơn hàng này đã không thể thực hiện được vì khi hàng mẫu do phía đối tác cung cấp về đến Việt Nam đã bị cơ quan hải quan chặn lại tại sân bay Tân Sơn Nhất, với lý do vi phạm vào Quyết định số 80/2006 của Bộ Quốc phòng. Mặc dù đã rất nỗ lực để gỡ khó “thủ tục” với mong muốn kéo được hợp đồng đáng giá hàng tỷ USD đó về trong nước, song DN may mặc nói trên đã đành phải chịu đứng nhìn đơn hàng rơi vào tay DN nước khác.
Cũng liên quan đến những bất cập về chính sách, thủ tục hành chính, cộng đồng DN chế biến và xuất khẩu cá tra cho biết, Nghị định số 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ còn một số vướng mắc cần tháo gỡ cho hoạt động xuất khẩu của DN. Điển hình là quy định liên quan đến việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu. Theo phản ảnh của các DN chế biến cá tra, thủ tục đăng kí hợp đồng xuất khẩu cá tra không những không giúp cho ngành cá tra hoạt động ổn định, ngược lại còn khiến DN mất rất nhiều thời gian, công sức để lo khâu… hoàn thành thủ tục. Thực chất, đây cũng là một dạng giấy phép xuất khẩu mới mà doanh nghiệp bắt buộc phải có khi xuất khẩu. Mà theo đó, cơ quan Hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra đã được Hiệp hội Cá tra Việt Nam xác nhận.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh- Giám đốc Công ty CP thủy sản Sông Tiền, trên thực tế, thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra đang khiến cho các DN xuất khẩu mặt hàng này mất thêm nhiều chi phí và thời gian, chứ không trở thành công cụ hữu hiệu có thể giúp kiểm soát được nguồn cung cá tra như kỳ vọng của nhà quản lý.
Còn đối với ngành phân bón, theo ý kiến của một số DN trong ngành, Thông tư 35 của Bộ Công thương cũng đang trở thành một rào cản khiến cho các DN e ngại không dám nhập khẩu urea, dẫn đến thực trạng hiện nay, nguồn cung trong nước thiếu hụt so với nhu cầu, đẩy giá phân urea trong nước lên cao. Điều này tất nhiên, người nông dân – nhà sản xuất phải lãnh đủ.
Trên đây là ba trong số nhiều trường hợp các thủ tục do các nhà quản lý đưa ra không những không tạo được môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho cộng đồng DN, ngược lại còn trở thành… rào cản khiến cho DN hoạt động khó khăn hơn, mất nhiều thời gian chỉ để làm thủ tục khiến họ tuột khỏi tay nhiều cơ hội làm ăn.
Được biết, trước những bức xúc của DN về thủ tục xuất nhập khẩu đối với sản phẩm cá tra tại Nghị định 36, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản (VASEP) đã có đề xuất nên bỏ bãi bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra qua Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Đối với trường hợp của Cty May Hòa Bình, “sự cố” về thủ tục, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị sửa Quyết định 80 theo hướng tạo thuận lợi, không bỏ lỡ thời cơ của cộng đồng DN, nhưng cũng vừa đảm bảo thuận tiện cho quản lý…
Sai thì sửa, đó cũng là việc cần phải làm. Theo ông Vũ Duy Hải, Tổng Giám đốc Cty CP Vinacam, là một DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, ông Hải cũng như những DN khác chỉ mong muốn các thủ tục hành chinh, chính sách của Nhà nước đưa ra cần giúp cộng đồng DN hoạt động thuận lợi hơn, tạo môi trường thông thoáng hơn, chứ không nên để xẩy ra những khó khăn thêm cho DN.