Phục chế tranh Việt: Vẫn trông chờ công nghệ nước ngoài

Hoàng Minh 27/06/2015 11:01

“Không chỉ tiếp tục hỗ trợ về kinh phí trong việc phục chế, bảo quản tranh, trong thời gian tới Viện Goethe sẽ hợp tác xây dựng một Trung tâm Bảo quản, phục chế cấp quốc gia cho Việt Nam”- đó là khẳng định của bà Almuth Meyer-Zollitsch, Giám đốc Viện Goethe tại Hà Nội trong buổi tổng kết, đánh giá kết quả quá trình thực hiện tu sửa, phục chế 2 bức tranh sơn dầu của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Chuyên gia phục chế Marina Langner giới thiệu các công đoạn phục chế tranh

Sáng qua (26- 6), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức buổi tổng kết, đánh giá quá trình phục chế 2 bức tranh sơn dầu tại cơ sở II (tại Hoàng Cầu) - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Theo đó, hai bức tranh được lựa chọn để tu sửa trong dự án lần này là bức “Mẹ con” của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch vẽ năm 1980 và bức “Rượu cần” của họa sĩ Kà Kha Sam vẽ năm 1982. Đây cũng là 2 bức tranh sơn dầu được đánh giá là tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Tham gia thực hiện tu sửa có chuyên gia phục chế Marina Langner đến từ của Trường ĐH Mỹ thuật Dresden (Đức) và nhóm cán bộ phục chế của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Chuyên gia phục chế Marina Langner cho biết, mặc dù nguyên liệu vẽ 2 bức tranh là khác nhau nhưng những hư hại là tương đối giống nhau. Nguyên nhân chính là do khí hậu của Việt Nam có độ ẩm rất lớn dẫn đến hầu hết các lớp lót nền, xi bả… theo thời gian đã bị bong tróc. Trong khi đó môi trường để bảo quản các bức tranh phải luôn đảm bảo là 20 độ C và độ ẩm đạt từ 50 – 55 %, nhưng khí hậu tại Việt Nam rất khó đáp ứng được.

2 bức tranh nói trên đã được các chuyên gia người Đức và các cán bộ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiến hành phục chế từ tháng 10-2014 đến nay (qua 2 giai đoạn), bằng công nghệ tu bổ tranh chuyên nghiệp và hiện đại của Đức. Từ phương pháp khảo sát ban đầu như chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng bình thường, ánh sáng một chiều và ánh sáng từ đằng sau; quan sát dưới kính lúp, kính hiển vi; đếm sợi dưới kính lúp và phỏng vấn tác giả bức tranh… cho đến các công đoạn phục chế chính như quá trình tháo tranh khỏi xát xi; cố định tranh trên mặt phẳng; gia cố bề mặt; quá trình làm phẳng; gia cố gờ mép; xát xi cá với tấm đỡ bên dưới; vào xát xi; phục hồi lại cấu trúc bề mặt; phục hồi lại màu sắc… Mục tiêu chính của việc phục chế là đưa bức tranh trở lại phòng trưng bày.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trung tâm Bảo quản, tu sửa phục chế - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: Để tu bổ 2 bức tranh nói trên, chuyên gia Đức đã mang sang những hóa chất chuyên dụng trong việc xử lý, phục hồi tranh sơn dầu mà ở Việt Nam không có. Theo đánh giá, việc phục chế tranh đã xử lý được 80%, trong đó những công tác tu sửa quan trọng nhất là bóc tróc đã được giải quyết. Hiện nay còn thiếu giai đoạn bồi đắp và làm màu. Vì vậy, trong thời gian tới các họa sĩ Việt Nam sẽ hoàn thiện nốt.

Tham gia hỗ trợ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phục chế tranh, chuyên gia Marina Langner bày tỏ lo ngại rằng, mọi hóa chất, vật liệu chính đều được mang từ Đức sang để phục vụ việc tu bổ. Nếu như tiếp tục có những bức tranh khác bị hư hại, nhưng lại thiếu hóa chất, hoặc không đủ các vật liệu… thì không hiểu các đồng nghiệp Việt Nam sẽ xử lý như thế nào? Vì vậy theo bà, phải tìm cách nào đó để nhập khẩu, hay mua bán các nguyên liệu từ nước ngoài về để sử dụng cho nhưng công việc phục chế tranh sau này.

Bà Marina Langner cũng cho rằng, trong tương lai để có thể chủ động trong việc phục chế, tu sửa tranh, Việt Nam cần thành lập một trung tâm bảo quản, phục chế chuyên nghiệp, với các trang thiết bị cũng như điều kiện đầy đủ. Đơn cử như chuyện chiếc kính hiển vi. Bởi đã có những đồng nghiệp Việt Nam được sang Đức để học hỏi kinh nghiệm phục chế tranh, hẳn đều hiểu rằng kính hiển vi điện tử phải thật tốt thì mới có thể tiến hành những công việc, kỹ thuật. Thế nhưng, sau khi trở về nước đến những phương tiện tối thiếu nhất là chiếc kính hiển vi cũng không được trang bị thì rất khó áp dụng những công nghệ tiên tiến trong việc tu sửa, phục dựng tranh. “Tôi biết các bạn còn có rất nhiều bức tranh bị hư hại như 2 bức tranh vừa được phục chế lại. Và nếu như bây giờ không đảm bảo được điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, môi trường… thì chính những tác phẩm vừa tu sửa sẽ gặp phải những vấn đề hỏng hóc tương tự”- bà Marina Langner nhấn mạnh.

Đánh giá về dự án hợp tác Đức - Việt trong việc tu sửa, phục chế tranh sơn dầu, Giám đốc Viện Goethe tại Hà Nội, bà Almuth Meyer –Zollitsch chia sẻ: “Việc đưa các chuyên gia của Việt Nam sang Trường ĐH Mỹ thuật Dresden (Đức) học tập đã thu lại rất nhiều kinh nghiệp để áp dụng vào công việc tại Bảo tàng. Tôi hi vọng thông qua việc hợp tác giữa Việt Nam và Đức, các đồng nghiệp Việt Nam có thể áp dụng những kiến thức của mình để tiếp tục công việc với trình độ chuyên nghiệp với hiệu quả thật sự đáng trông đợi trong tương lai.” Cũng theo bà Almuth Meyer-Zollitsch, trong thời gian tới, Viện Goethe ngoài việc hỗ trợ về kinh phí trong dự án tu bổ, phục dựng tranh và cam kết trong thời gian tới sẽ cố gắng giúp đỡ xây dựng một trung tâm bảo quản, phục chế tranh cấp quốc gia cho Việt Nam.

Hoàng Minh