Xã bật đèn xanh cho “đất tặc” lộng hành?
Người dân thôn Xuân Tiên, xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá không khỏi bất an khi cả chục héc ta đất ruộng của các hộ dân không đem lại năng suất do có vị trí không thuận lợi. Trong khi chưa có hình thức chuyển đổi cây trồng phù hợp, bất đắc dĩ các hộ dân đành bắt tay với “đất tặc” cải tạo trái quy định, gây thất thoát, biến dạng nguồn tài nguyên.
Những khu ruộng đang được cải tạo trái quy định ở xã Dân Lực
Cực chẳng đã, người dân bắt tay cùng “đất tặc”
Đứng thất thần trên cánh đồng nứt nẻ, khô cằn rộng trên chục hecta, ông B.Đ.M (thôn Xuân Tiên) cho biết: “Đất ruộng ở đây có địa thế cao, lại cuối nguồn của dòng chảy, nước tưới tiêu không thuận lợi nên có trồng cây gì cũng vậy, năng suất chẳng được là bao”. Kể từ khi xã Dân Lực thực hiện chính sách dồn điền, đổi thửa, hộ gia đình ông M. xin nhận về khu đồng sản xuất của thôn Xuân Tiên, có vị trí gần nhà cho tiện sản xuất. Nhưng kể từ khi chuyển về đây, gia đình ông M. luôn gặp không ít khó khăn trong canh tác, sản xuất. Nếu như với diện tích này ngày trước ở dưới khu đồng Bông, năm nào sản lượng lúa cũng cao, đủ ăn cả năm, thậm chí còn có dư thừa để bán thì kể từ khi chuyển về khu đồng sản xuất của thôn Xuân Tiên, gia đình ông M. luôn phải vắt óc suy nghĩ, việc lựa chọn cây trồng mà không năm nào biết đến “được mùa”.
Thực tế, ông M. cho biết, “để được cải tạo đất, các hộ dân phải làm đơn gửi thôn, rồi gửi xã cho phép thì mới được cải tạo. Khi đó, người có máy, có xe vận tải họ liên hệ đến các hộ dân thì hai bên thống nhất, người dân cần mặt bằng còn người có máy, có xe thì họ có đất, mang đất bán đi đâu thì quyền của chủ máy, nghe đâu là bán lại cho một số nhà máy gạch”.
Theo ông M. cuối năm 2015 gia đình ông mới cải tạo khu ruộng 7 sào, ước chừng phải hạ xuống 70 phân đất mới thuận canh tác. Khi phóng viên hỏi, nếu hộ gia đình mình hạ như vậy thì các hộ xung quanh có vị trí cao hơn, lấy nước đâu để canh tác? – Ông M. trả lời, “Xung quanh thế nào thì mặc họ. Nếu ở đây có chính sách cho người dân cải tạo đất, thì theo tôi hộ nào cũng muốn cải tạo. Nếu không cho tôi cải tạo đất thì tôi cũng chỉ biết bỏ ruộng hoang hoặc bất đắc dĩ phải bắt tay với các chủ máy để cải tạo, đến đâu thì đến!”.
Có mặt tại khu ruộng đang cải tạo của gia đình bà Hằng, theo quan sát có tới 4 xe vận tải, một máy xúc đất đang hoạt động, diện tích đất đã lấy đi lên tới hàng trăm mét khối đất, trên tổng diện tích cả nghìn mét vuông. Bà Hằng cho biết, “Tôi làm đơn lên trưởng thôn ký rồi, gửi lên ông Tính (chủ tịch xã) nhưng ông Tính bảo đang lúc xã chuẩn bị Đại hội nên không dám giải quyết” - Bà Hằng bức xúc.
Thực tế, không chỉ hộ gia đình bà Hằng và một số hộ khác đang cải tạo đất trái phép, còn nhiều hộ dân khác cũng có ý định tương tự, bất chấp phải “bắt tay” với “đất tặc”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đất ruộng sau khi được các chủ máy múc lên, sẽ được các chủ xe vận chuyển đi qua trục đường trung tâm xã ra quốc lộ đem bán cho các lò gạch. Điều lạ, sự việc diễn ra trong thời gian dài (từ tháng 3-2015), hằng ngày các xe chở đất vẫn ngang nhiên “qua mặt” UBND xã nhưng đến nay không được ngăn chặn?
Chính quyền tiếp tay?
Trước câu hỏi, liệu chính quyền sở tại có “bật đèn xanh” cho “đất tặc” vô tư hoạt động như “chốn không người” suốt một thời gian dài mà không xử lý đang khiến không ít người dân nơi đây thắc mắc. Ông Nguyễn Quyết Tính - Chủ tịch UBND xã Dân Lực lý giải: Xã bận rất nhiều việc, nhất là đang tập chung chống hạn. Đối với việc lợi dụng cải tạo đất rồi đem bán cho một số lò gạch đã diễn ra từ hồi tháng 3, chính quyền xã đã xuống lập biên bản, xử phạt hành chính rồi.
Ông Tính nhấn mạnh, “tình trạng các xe chở đất đem bán đi qua trung tâm xã, chúng tôi biết nhưng có xử phạt 3 đến 5 triệu đồng thì họ cũng đóng thôi. Tuy nhiên chúng tôi muốn dẹp bỏ tận gốc tình trạng này nên đã phối hợp với công an huyện để xử lý. Đối tượng lợi dụng việc cải tạo đất đem bán là ông Lê Xuân Trường đã vi phạm và bị xử phạt nhiều lần”. Không rõ việc phối hợp như lời ông Tính nói đã đem lại hiệu quả gì chưa, trong khi thực tế qua quan sát của chúng tôi, không hề có một lực lượng chức năng nào có mặt để kiểm soát hoạt động trên.
Thiết nghĩ, nếu chính quyền xã Dân Lực không vào cuộc, ngăn chặn một cách kịp thời thì việc các hộ dân tự ý bắt tay với “đất tặc” thi nhau cải tạo đất trái quy định không chỉ dừng lại ở một vài hộ như hiện tại, mà sẽ lan rộng thậm chí ồ ạt, khó kiểm soát.