TP. Hồ Chí Minh:Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

QUANG MINH - LAM HỒNG 28/06/2015 11:08

Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều biến động về kinh tế nhưng khả năng thích ứng của các doanh nghiệp TP.HCM là khá cao. Tuy vậy, nếu nhìn ở phương diện hội nhập quốc tế, các DN vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh nghiệm đàm phán hợp đồng và kết nối thị trường trong và ngoài nước.

Theo ông Nguyễn Phương Đông- Phó GĐ Sở Công thương TP.HCM, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa tham gia vào chuỗi cung ứng, chưa tạo ra sản phẩm có chất lượng trên thị trường, bởi các DN duy trì quá lâu cách thức sản xuất truyền thống, sản xuất theo đơn đặt hàng, sản xuất phục vụ sữa chữa, thay thế nên chịu chi phối theo chỉ định của khách hàng trong việc sử dụng nguồn nguyên vật liệu, linh kiện, chi tiết phục vụ sản xuất. Trong khi đó, lại thiếu cầu nối giữa các DN hay nói cách khác là các DN mua, bán chưa biết thông tin về nhau. Rất ít DNNVV đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng kỹ thuật của các tập đoàn FDI, và nếu có thì giá bán lại cao hơn so với nhà cung ứng hiện hữu của doanh nghiệp FDI.

Điều này không thể hoàn toàn quy về trách nhiệm cho các DNNVV mà hầu hết do sản lượng đặt hàng ít, trong khi đó chi phí đầu tư ban đầu của các DN về nhà xưởng, trang thiết bị quá lớn. Một nguyên nhân khách quan dẫn đến thực tế đáng lo ngại này là do quy mô vừa và nhỏ, vốn thấp, tài sản thế chấp lại ít nên phần lớn DNNVV không đáp ứng điều kiện vay vốn để đổi mới công nghệ trang thiết bị. Hơn nữa, cơ chế hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ chưa gắn với chuyển giao công nghệ cho các DN.

Một nguyên nhân mà nhiều DN có ý kiến là thủ tục, điều lệ được hưởng chính sách hỗ trợ ưu đãi như bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi vay trong đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng phát triển sản xuất còn rườm rà, khắt khe gây nên việc khó khăn trong khâu tiếp cận.

Chia sẻ về kế hoạch và các giải pháp hỗ trợ DN Việt, góp phần thúc đẩy cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt, ông Nguyễn Mạnh Tuệ- Phó phòng Kinh tế Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM cho rằng, chính quyền nên đẩy mạnh tổ chức đối thoại với DN. Theo ông Tuệ, chỉ có những cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp mới giải đáp được khúc mắc, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, xem xét những vụ việc cụ thể còn đang vướng mắc để tháo gỡ. Cùng đó, cần hỗ trợ DN tìm kiếm các nguồn vốn vay với lãi suất thấp, điều kiện vay được tiết giảm và tăng khả năng vay tín chấp. Đến nay, toàn TP có 8 đầu mối tổ chức kết nối DN với ngân hàng, 24 quận, huyện được tính là 1 đầu mối và đã tổ chức được ít nhất 1 đợt kết nối quan hệ tín dụng. Được biết, tính đến đầu tháng 6, đã có 21 quận, huyện tổ chức ký kết các DN vay tổng số 21.390 tỷ đồng, tổng cộng toàn bộ 9 đầu mối trong toàn thành phố đã thực hiện được khoảng 55.000 tỷ đồng. Con số này cho thấy dấu hiệu khả quan và đáng mừng trong việc áp dụng phương pháp ưu đãi vay vốn cho DN Việt.

Ngoài những phương án trên, thời gian qua, phía TP đã triển khai chương trình kích cầu. TP đã sử dụng ngân sách nhà nước để bù lãi vay cho DN có dự án đúng danh mục đầu tư một số lĩnh vực cần khuyến khích phát triển. Đương nhiên, khi tham gia chương trình hỗ trợ này, các DN phải đáp ứng một số điều kiện như: dự án phát triển của DN phải đúng ngành nghề, lĩnh vực thuộc danh mục quy định của TP, được thực hiện trên địa bàn TP. Ngoài ra, phải đúng quy hoạch, hợp pháp và được một tổ chức tín dụng nào đó chấp nhận cho vay vốn thực hiện.

QUANG MINH - LAM HỒNG