Mong sớm có bảo tàng mang tên Trần Văn Khê
Qua đời ở tuổi 94, GS.Trần Văn Khê đã tận hiến cho nền âm nhạc dân tộc Việt Nam tới những ngày tháng cuối cùng. Bản di nguyện của ông không có một phần nào cho riêng mình. Nhưng khi còn sống ông luôn ao ước ngôi nhà Trần Văn Khê sẽ trở thành nhà lưu niệm văn hóa, đón chào bất cứ ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về âm nhạc dân tộc.
GS Trần Văn Khê
GS Trần Văn Khê đã đi một hành trình dài đầy thăng trầm nhưng đáng tự hào - quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Hành trình ấy kéo dài 55 năm ở xứ người và khi trở lại quê hương, thứ âm nhạc ấy lại được ông tiếp tục lan tỏa để giúp người Việt có thể hiểu, yêu hơn và tự hào hơn về âm nhạc của dân tộc mình... Trong bản di nguyện, ở mục 9 (Nhà lưu niệm Trần Văn Khê), ông ước mong sau khi qua đời tư gia của ông sẽ được giữ lại để chuyển thành Nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Nhà lưu niệm sẽ lưu giữ các kỷ vật liên quan đến cuộc đời thường ngày và cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông. Đặc biệt là có thư viện với nhiều hiện vật ông đem từ Pháp về như: sách báo, đĩa nhạc, các nhạc cụ - nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, máy cassette, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh, hình ảnh... cho đến những chiếc vé mời mà ông từng được mời đến các hội nghị âm nhạc quốc tế, đều được cất giữ cẩn thận. GS đã dành toàn bộ thời gian cuối đời để hệ thống và hiện đại hóa lại kho tư liệu âm nhạc khổng lồ mà ông sưu tầm. Đây sẽ là “gia tài” vô giá dành cho những ai yêu, muốn nghiên cứu, tìm hiểu về âm nhạc dân tộc. Ông ao ước Ban quản lý Nhà lưu niệm sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho những người có nhu cầu đến đây tham khảo, nghiên cứu.
Tuy nhiên, với thực tế hiện nay ý thức xã hội với di sản văn hóa còn nhiều hạn chế thì việc biến nơi ở của GS. Trần Văn Khê lúc ông còn sống thành bảo tàng hay nhà lưu niệm - một địa chỉ văn hóa dành cho những người yêu âm nhạc truyền thống thì có lẽ không phải là chuyện dễ dàng. Dù căn nhà do UBND TP. HCM cấp cho GS. Trần Văn Khê ở. TS. Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) lo ngại: Không biết TP.HCM có kế hoạch biến ngôi nhà GS. Khê ở thành nhà lưu niệm không và quản lý thế nào? Căn phòng tinh tế, đầy chất thơ của GS. Trần Văn Khê như một bảo tàng từ sinh thời của ông. Không biết tương lai sẽ ra sao? “GS Trần Văn Khê tràn trề sức sống và hạnh phúc mỗi khi gặp bạn bè, người quen, nói về âm nhạc và mỗi khi được chia sẻ những ký ức của mình”, TS. Nguyễn Văn Huy nhớ lại.
Không gian trong căn nhà của cố GS. Trần Văn Khê
Khi nhắc tới tương lai của ngôi nhà GS. Trần Văn Khê, người ta chợt nhớ tới câu chuyện buồn của nhà văn hóa, học giả Vương Hồng Sển. Ông để lại di chúc hiến căn nhà cổ Vân Đường Phủ cùng toàn bộ sách và 884 cổ vật mà ông sưu tập trong hơn 70 năm cho TP.HCM với ước nguyện Vân Đường Phủ sẽ là Bảo tàng Vương Hồng Sển trưng bày toàn bộ cổ ngoạn của ông. Nhưng sau khi ông mất, TP ra quyết định đưa toàn bộ cổ vật của ông vào trưng bày trong một gian phòng riêng của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM, còn sách thì đưa đến Thư viện khoa học xã hội TP. Riêng căn nhà cổ Vân Đường Phủ, đến năm 2003, TP ra quyết định xếp hạng di tích cấp TP và sẽ dự kiến chỉnh trang, xây dựng thành Nhà lưu niệm Vương Hồng Sển, nhưng đến nay vẫn chỉ là câu chuyện trên giấy.
Trở lại với di nguyện nhà lưu niệm của GS. Trần Văn Khê, để thêm “sức nặng” biến ngôi nhà GS ở thành nhà lưu niệm hay bảo tàng, cũng có ý kiến cho rằng: Nên chăng Viện Âm nhạc VN hoặc Hội Âm nhạc TP. HCM vào cuộc thì thuận hơn... PGS.TS Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc chia sẻ: Sự ra đi của GS. Trần Văn Khê là một sự hụt hẫng rất lớn, hay phải nói là hụt hẫng lâu dài. Ông đã trao tất cả gia tài vô giá trong suốt cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình cho Việt Nam. Như vậy, rất nên có một bảo tàng mang tên GS. Trần Văn Khê. Bảo tàng sẽ giúp cho thế hệ trẻ nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Và họ không chỉ được tiếp cận với âm nhạc Việt Nam, mà còn có thể tiếp cận với toàn bộ nền âm nhạc truyền thống thế giới. Việc thành lập bảo tàng của GS. Trần Văn Khê sẽ mang một ý nghĩa văn hóa rất lớn đối với cộng đồng nghiên cứu âm nhạc truyền thống thế giới và những người nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam.