Bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống
Những người đến tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đều biết, trong khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng có một khuôn viên cư trú của người Chăm đã được xây dựng từ năm 2001. Khuôn viên gồm ngôi nhà lẫm (Sang lâm) được phục dựng vào tháng 11-2001, do đại sứ quán Na Uy tài trợ.
Nhà ở của người Chăm ở Bảo tàng Dân tộc học VN
Đến tháng 6-2003, Bảo tàng tiếp tục phục dựng 4 ngôi nhà còn lại là: nhà tục (Sang Ye), nhà kề (Sang Maye), nhà cao cẳng (Sang ton) và nhà bếp (Sang gin); tháng 6-2007 dựng nhà để nông cụ, nhà để cối xay, đào giếng khơi và lợp lại phần mái của bốn ngôi nhà mái gianh nêu trên. Khuôn viên nhà Chăm đã được tiến hành tu sửa lần thứ nhất vào tháng 4-2011 và lần thứ hai bắt đầu từ ngày 24-5-2015 cho tới nay. Đây là kế hoạch tu sửa khuôn viên nhà Chăm theo định kỳ, do chính những người Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận thực hiện nhiều năm qua.
Lần tu sửa thứ hai (2015), 15 người thợ ở thôn Bầu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, do nhà nghiên cứu văn hóa Chăm - Sử Văn Ngọc làm trưởng đoàn được mời đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để sửa chữa. Theo kế hoạch, trong khoảng thời gian 4 - 5 tuần việc tu sửa sẽ hoàn thiện. Nhân dịp này, cuối tuần qua chương trình giao lưu Nhà người Chăm và những biến đổi hiện nay cũng vừa được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức. Tới đây, công chúng đã được tìm hiểu trực tiếp văn hóa của người Chăm, đặc biệt là về ngôi nhà truyền thống và những biến đổi hiện nay. Hoạt động này góp phần khích lệ đồng bào Chăm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của mình tại địa phương cũng như ở thủ đô Hà Nội; đồng thời cũng góp phần thúc đẩy việc bảo tồn các kiến trúc nhà ở truyền thống hiện nay.