Tranh luận để đi đến tận cùng vấn đề

H.Vũ (thực hiện) 29/06/2015 09:07

Trao đổi với phóng viên ĐĐK, ông Trương Minh Hoàng- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, khi đưa ra những vấn đề dân sinh tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, hay chất vấn về 1 con gà chịu 14 loại phí, thì ngay tức khắc Bộ trưởng đã trả lời rõ và cam kết sẽ bỏ trong thời gian sớm nhất. Điều đó là rất đáng quý. Vấn đề là dám thẳng thắn nêu vấn đề ra không, có tranh luận để đi đến cùng vấn đề hay không.

PV: Tại kỳ họp thứ 8 QH khóa XIII, việc đưa người đi cai nghiện sau khi được các ĐBQH phản ánh, QH đã có Nghị quyết về vấn đề này. Hay kỳ họp thứ 9, sau khi ĐB phản ánh 1 con gà chịu 14 loại phí, QH đã yêu cầu Bộ Tài chính “cởi phí cho gà”. Vậy các vấn đề an sinh xã hội liên quan trực tiếp đến người dân cần được tranh luận tại nghị trường QH như thế nào để vấn đề được giải quyết ngay, thưa ông?

Tranh luận để đi đến tận cùng vấn đề

Ông Trương Minh Hoàng: Tôi thấy, xung quanh vấn đề phát biểu ý kiến tại nghị trường, nhiều ĐBQH đã lồng ghép vào trong đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, hay là lồng ghép vào các nội dung để góp ý xây dựng các dự án luật, chất vấn và trả lời chất vấn. Như vậy ĐBQH nghe các vị Bộ trưởng có những giải pháp cụ thể. Đồng thời cách đặt vấn đề như vậy cũng thuyết phục, gần gũi với bà con cử tri và nhân dân. Tôi đồng tình với cách đặt vấn đề như vậy.

Như lúc cho ý kiến về Luật Khí tượng thủy văn, tôi đã đưa kiến nghị thực tế lồng ghép vào đó là đi từ Hà Nội lên Điện Biên bằng đường bộ chúng ta mới thấy được sự vất vả của các phương tiện và người tham gia giao thông phải chịu một lượng sương mù dày đặc. Người lái xe lão luyện cũng phải nhìn vào vạch trên đường để chạy, đây cũng là nỗi bức xúc của người dân bao lâu nay. Bây giờ chúng ta có đủ trình độ khoa học - kỹ thuật, đủ khả năng để xem xét xem nguy cơ nguyên nhân thời tiết sương, mà làm được như vậy có thể giảm bớt hạ độ của lộ đường giao thông, hoặc giảm bớt tầng gấp khúc của đồi núi. Đó là dẫn chứng từ thực tế để Ban soạn thảo điều chỉnh. Chúng tôi thấy rằng khi đưa ra những vấn đề dân sinh tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, hay chất vấn về 1 con gà chịu 14 loại phí, thì ngay tức khắc Bộ trưởng đã trả lời rõ và hứa cam kết sẽ thực hiện bỏ trong thời gian sớm nhất. Đó chính là hiệu quả trong quá trình hoạt động của QH. Vừa có giải pháp, vừa có tính thuyết phục với bà con cử tri.

Ông nghĩ sao về các vụ việc nóng người dân quan tâm được báo chí phản ánh nhưng được tiếp thu rất chậm. Nhưng một kiến nghị hay tranh luận của ĐBQH tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn được các Bộ trưởng xử lý ngay?

- Trong điều kiện đối thoại hiện nay, thì đối thoại trực tiếp có cơ hội, có điều kiện, có lý do để người lãnh đạo trả lời, hoặc giải quyết. Tôi thấy đa số những kiến nghị của đoàn ĐBQH hay ĐBQH đều được các Bộ trưởng quan tâm giải quyết. Tôi thấy việc giải quyết cũng khá triệt để nhưng cái chính là với vai trò trách nhiệm là người đại biểu dân cử, hay người đứng đầu địa phương có dám mạnh dạn nói ra hay không?

Như tôi biết, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) khi đi đâu thấy có vấn đề gì bất cập, chị rút điện thoại và gọi ngay cho Bộ trưởng. Sau đó các vấn đề mà chị phản ánh đã được các Bộ trưởng giải quyết, xử lý. Tôi đồng tình với cách làm như vậy của ĐB An.

Dân người ta tin tưởng và giao trách nhiệm cho ĐBQH. Vấn đề là ĐBQH có khả năng, có bản lĩnh để phát huy trách nhiệm của mình hay không là việc rất quan trọng. Không phải chỉ diễn ra trong kỳ họp mà ngay cả lúc không họp QH nếu ĐBQH vẫn quyết tâm đeo bám vấn đề đến cùng thì tôi tin các Bộ trưởng sẽ phải xử lý. Vì các Bộ trưởng biết rằng nếu không xử lý, giải quyết ngay thì chắc chắn họ sẽ bị các ĐBQH chất vấn ngay tại QH, trước sự theo dõi của đông đảo đồng bào cử tri cả nước. Vì thế tôi nghĩ, trong câu chuyện này cái chính là bản lĩnh của ĐBQH, hay địa phương có dám nói lên hay không. Với cải cách bộ máy, cải cách hành chính hiện nay thì càng cần sự vào cuộc, đóng góp của các ĐBQH.

Cá nhân ông có cho rằng nên dành nhiều thời gian để tranh luận về các vấn đề an sinh bởi đây là những vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống người dân?

- Tôi cho rằng hiện nay ta dành nhiều thời gian cho xây dựng các dự án luật thì cái đích cuối cùng của luật cũng là nhắm đến an sinh xã hội. Ví dụ kỳ họp thứ 9 chúng ta thông qua 11 dự án luật thì cũng để phục vụ cho cuộc sống. Hiến pháp cũng hướng tới vì công bằng xã hội, an sinh, quyền công dân; vậy thì, xây dựng dự án luật cũng là để cụ thể hóa vấn đề đó. Trong các luật được thông qua tại kỳ này thì cũng hướng đến tạo quy trình để bộ máy nhà nước gần gũi hơn thông qua việc QH thông qua Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Bầu cử đại biểu ĐBQH và đại biểu HĐND..., mục đích cũng là phục vụ cuộc sống, các vấn đề an sinh xã hội.

Vì thế tôi cũng cho rằng trong phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội để thuyết trình thuyết phục thì mỗi ĐBQH nên lồng ghép các vấn đề thực tế vào bài phát biểu của mình, có hơi thở của cuộc sống, chứ đứng lên nói như bài tham luận thì có những chỗ Ban soạn thảo khó tiếp thu. Việc lồng ghép nhằm để Ban soạn thảo thấy được những vấn đề chưa thỏa đáng từ đó mà điều chỉnh. Có như vậy luật mới đi vào cuộc sống.

Ông có nghĩ QH nên dành nhiều thời gian cho giám sát chuyên đề hay không?

- Tôi nghĩ rằng 1 năm mà giám sát nhiều thì không có thời gian để làm. Vì QH 1 năm giám sát 2 chuyên đề, chưa kể còn có các Ủy ban, các đoàn ĐBQH. Giám sát là cần thiết chứ nghe báo cáo không thì không đủ chứng cứ, điều kiện lập luận để đóng góp xây dựng luật hay chất vấn. Tôi nghĩ mỗi năm nên giám sát 2 chuyên đề, còn mỗi Ủy ban thì 1 năm có thể 2-3 vấn đề. Chỉ có đi giám sát thực tế thì ĐBQH mới có đủ cơ sở lý luận thực tiễn, tham gia vào trong xây dựng luật hay nghị quyết, đánh giá vào báo cáo kinh tế - xã hội, hay căn cứ để chất vấn đối với các Bộ trưởng tại nghị trường.

Trân trọng cảm ơn ông!

Dân người ta tin tưởng và giao trách nhiệm cho ĐBQH. Vấn đề là ĐBQH có khả năng, có bản lĩnh để phát huy trách nhiệm của mình hay không là việc rất quan trọng. Không phải chỉ diễn ra trong kỳ họp mà ngay cả lúc không họp QH nếu ĐBQH vẫn quyết tâm đeo bám vấn đề đến cùng thì tôi tin các Bộ trưởng sẽ phải xử lý. Vì các Bộ trưởng biết rằng nếu không xử lý, giải quyết ngay thì chắc chắn họ sẽ bị các ĐBQH chất vấn ngay tại QH, trước sự theo dõi của đông đảo đồng bào cử tri cả nước. Vì thế tôi nghĩ, trong câu chuyện này cái chính là bản lĩnh của ĐBQH, hay địa phương có dám nói lên hay không. Với cải cách bộ máy, cải cách hành chính hiện nay thì càng cần sự vào cuộc, đóng góp của các ĐBQH.

H.Vũ (thực hiện)