Cảnh báo sớm rủi ro tài chính

Hương Nguyên (Thực hiện) 29/06/2015 10:12

Chính phủ vừa ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 34 về việc thành lập Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (GSTCQG). Bình luận về vấn đề này Chủ tịch Ủy ban GSTCQG Vũ Viết Ngoạn cho rằng, quyết định này sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phòng ngừa và cảnh báo sớm những rủi ro tài chính có thể phát sinh.

PV: Thưa ông, quyết định này sẽ có tác động như thế nào đến hoạt động giám sát của Ủy ban GSTCQG thời gian tới?

Cảnh báo sớm rủi ro tài chính

Ông Vũ Viết Ngoạn: Theo quyết định mới này, Ủy ban GSTCQG ngoài hai chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ điều phối chính sách giám sát và giúp Thủ tướng giám sát thị trường tài chính chung, thì cũng thêm chức năng là tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về đường lối chính sách kinh tế vĩ mô. Như vậy, Ủy ban GSTCQG có thêm nhiệm vụ đánh giá dự báo kinh tế vĩ mô, những chính sách kinh tế vĩ mô tác động đến thị trường tài chính và những nguy cơ của thị trường tác động đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Một điểm quan trọng nữa là với quyết định này, tất cả các Bộ, các cơ quan cung cấp các thông tin với danh mục cụ thể cho Ủy ban GSTCQG định kỳ và đột xuất khi cần thiết. Ở chiều ngược lại, Ủy ban GSTCQG cũng có trách nhiệm cung cấp các thông tin cho các Bộ, các cơ quan.

Ý ông là trước đây do quy định không cụ thể khiến Ủy ban GSTCQG chưa thực thi hết vai trò giám sát hệ thống tài chính của mình. Vậy, khi “quyền lực” đã vào tay Ủy ban, thị trường tài chính sẽ minh bạch, thưa ông?

- Tất nhiên thị trường tài chính sẽ dần được cải thiện theo hướng minh bạch thông tin. Tuy nhiên muốn đạt được điều này phải có lộ trình, không thể đòi hỏi một sớm, một chiều. Trên thế giới có một số mô hình và xu hướng chính hiện nay là nhiều quốc gia áp dụng mô hình giám sát hợp nhất và cơ quan giám sát là cơ quan có quyền lực rất cao (tương tự như Kiểm toán nhà nước của Việt Nam). Cơ quan giám sát của nhiều quốc gia trên thế giới lập ra được hoạt động độc lập theo luật pháp, không chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan nào cả. Tại Việt Nam, hiện chúng ta cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu để sau này muốn có được sự độc lập đó thì phải xây dựng một luật riêng về hoạt động giám sát. Theo kinh nghiệm ở một số nước, đối với một số hoạt động mang tính chất đặc thù cần phải có một thể chế có tính chất độc lập có quyền lực riêng và đảm bảo tính khách quan. Cơ quan này tách rời hẳn cơ quan thực hiện chính sách, ban hành chính sách quản lý. Điều này sẽ giúp tránh việc xung đột lợi ích, cũng tránh được sự quá tải cho các cơ quan thực hiện chính sách. Ở Việt Nam cần có thời gian và có định hướng rõ ràng mới có thể thực hiện được.

Có một thực tế là bất cứ quyết định nào được ban hành cũng đều phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan phải phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ nào đó. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp sự phối hợp không hiệu quả. Ủy ban GSTCQG có gặp khó khăn trong công tác phối hợp? Để việc phối hợp cung cấp thông tin hai chiều đạt hiệu quả cao cần được tiến hành như thế nào, thưa ông?

- Trước đây chúng tôi cũng đã có cơ chế phối hợp với một số cơ quan nhưng vẫn còn ở mức độ ít. Trên cơ sở quyết định vừa được Chính phủ ban hành, tới đây Ủy ban GSTCQG sẽ chủ động làm việc với các cơ quan, trước hết là các cơ quan trong Chính phủ. Bên cạnh đó cũng có kế hoạch phối hợp thêm một số cơ quan khác, như Kiểm toán nhà nước… dưới hình thức ký các thỏa thuận, bản ghi nhớ về các cơ chế để hình thành cơ chế phối hợp giữa các bên trong việc cung cấp và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như các kỹ năng trong việc thực thi hoạt động giám sát. Qua đó có thể thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan.

Thời gian tới Ủy ban GSTCQG sẽ làm những việc gì để nâng cao hiệu quả giám sát nguồn tài chính của quốc gia?

- Thời gian qua, Ủy ban GSTCQG cũng đã tập trung xây dựng các chuẩn mực, tiêu chí giám sát. Đây là điểm hết sức quan trọng. Mặc dù các tiêu chí đó đang được ban hành trong nội bộ nhưng đó là một hệ thống chỉ tiêu hết sức đồng bộ, đó là: các tiêu chí đánh giá, giám sát các tổ chức tín dụng; tiêu chí đánh giá sự an toàn của các công ty chứng khoán; tiêu chí đánh giá sự lành mạnh của các công ty bảo hiểm. Ủy ban GSTCQG cũng xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá, hệ thống tài chính nói chung. Đây là hệ thống giám sát tài chính vĩ mô, giúp đảm bảo sự lành mạnh của toàn bộ hệ thống. Cùng với đó, dự kiến trong năm 2015 này, chúng tôi sẽ áp dụng mô hình giám sát mới bao gồm cả giám sát định tính và định lượng theo mô hình giám sát của Cộng hòa Ai-len. Tất nhiên, chúng ta vẫn còn một thời gian khá dài để áp dụng một cách đầy đủ, trọn vẹn phương thức giám sát này nhưng trước mắt, các nguyên lý cơ bản được áp dụng sẽ nâng cao chất lượng giám sát tài chính của Ủy ban GSTCQG.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hương Nguyên (Thực hiện)