Bỗng dưng mất đất: Kỳ 2: Ai tiếp tay để hợp thức đất của dân?

PHẠM HƯỞNG 29/06/2015 15:17

Trước việc gần 200 ha đất của người dân bị sang tên đổi chủ một cách bí ẩn, UBND huyện Mang Yang (Gia Lai) đã chỉ đạo Thanh tra, Công an huyện vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ. Thế nhưng, điều khiến dư luận băn khoăn là làm cách nào mà các cấp chính quyền lại để cho ông Phan Văn Phúc (nguyên cán bộ lâm trường) và ông Nguyễn Duyên Nam qua mặt một cách dễ dàng nếu như không có sự nhập nhèm phía sau...

Tìm hiểu sự việc tại UBND huyện Mang Yang

Hàng loạt chữ kí có dấu hiệu bị giả mạo

Điều khiến dư luận quan tâm là tại sao UBND xã Ayun bất ngờ ra thông báo thu hồi đất của dân với chỉ một lí do chẳng mấy thuyết phục: Đất không canh tác sẽ bị thu hồi(!). Bởi theo người dân, đất ở đây được người dân khai hoang, canh tác ổn định, không có tranh chấp hay lấn chiếm trái phép. Không biết vì lí do gì chính quyền xã Ayun lại đẩy họ vào cái “thế khó đỡ”, nhưng rồi chỉ 5 ngày sau, ông Phúc và ông Nam đến đặt vấn đề thuê đất nên người dân đành chấp nhận đồng ý, vì vừa có tiền lại không bị chính quyền thu hồi đất.

Để làm rõ vụ việc, ngày 9 và 10-6, hàng trăm người dân đã đối thoại với ông Nguyễn Duyên Nam (trú TT.Kon Dỡng, huyện Mang Yang). Khi ông Nam đưa ra gần 50 tờ giấy sang nhượng đất đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía người dân. Họ khẳng định: Tại thời điểm năm 2003, nhận tiền họ chỉ kí trên 1 tờ giấy lớn chứ không phải kí riêng trên từng tờ giấy photo sang nhượng đất.

Còn ông Phan Văn Phúc, sau hai lần vắng mặt thì ngày 19-6 Công an huyện triệu tập đã có mặt tại UBND xã Đắk Jơ Ta để trực tiếp đối chất với người dân. Ông Phúc cho rằng: “Đất được cấp sổ đỏ là bà con thôn 3 đã sang nhượng chứ không phải cho thuê”. Đồng thời, ông Phúc đưa ra 43 tờ giấy photo “sang nhượng đất” có chữ kí của từng hộ dân.

Ông Phan Sang, trú thôn 3 đặt vấn đề, ông Phúc và ông Nam đã lấy những tờ giấy sang nhượng đất đó ở đâu. Lợi dụng giấy sang nhượng đất của 4 - 5 hộ bán đất, ông ấy đã giả mạo hàng loạt chữ kí là có ý đồ chiếm đất của dân rồi! Nếu không có sự tiếp tay thì ông Phúc, ông Nam không dám mạo danh chữ kí của hơn 90 hộ dân để biến một tờ giấy cho thuê đất thành những tờ giấy sang nhượng đất.

Theo tìm hiểu của PV, hiện có tổng cộng hơn 90 hộ dân cho thuê đất, chỉ có 4 - 5 hộ dân là viết giấy bán đất. Trong đó, thôn 3 có đến 78 hộ, thôn Bông Pim 15 hộ thuộc xã Đắk Jơ Ta đều thuộc diện “cho thuê” giờ biến thành đất sang nhượng vô thời hạn. Điều lạ là, khi người dân yêu cầu xem các tờ giấy sang nhượng gốc cùng tờ giấy tập thể người dân kí nhận tiền cho thuê đất năm 2003, thì ông Phan Văn Phúc và ông Nam không cung cấp được. Nhưng trong gần 93 giấy sang nhượng đất photo lại có đầy đủ “họ tên người cho thuê đất, địa chỉ, năm sinh, số CMND và cùng một mẫu chữ viết”. Dư luận đặt câu hỏi: Liệu có ai đã tiếp tay để ông Phúc và ông Nam sao chép được tất cả mọi “thông tin cá nhân” của người dân cho thuê đất để ghi vào giấy sang nhượng đất - được coi là giả mạo.

Đất không rõ nguồn gốc vẫn cấp sổ đỏ

Theo ông trưởng thôn Phan Sang, xã Đắk Jơ Ta là xã vùng 3 (được tách từ xã Ayun từ năm 2006) đất đai cằn cỗi nên người dân gặp rất nhiều khó khăn sống phụ thuộc vào mấy cây mì, trồng rừng... Nếu ông Phúc và ông Nam không cung cấp được giấy tờ gốc để “chứng minh nguồn gốc đất” của hai ông thì lấy cớ gì UBND huyện Mang Yang lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Hơn nữa, nếu những giấy sang nhượng đất đang bị nghi ngờ là giả mạo nói trên là thật đi nữa thì toàn bộ diện tích gần 200 ha đất trên khi được địa chính xã làm hồ sơ để đăng kí cấp quyền sử dụng đất thì cũng phải đi thẩm định, xác minh, hỏi ý kiến người dân, chứ không thể lén lút làm được - ông Sang bức xúc nói.

Trước vấn đề trên, người dân lập luận: Tại sao với gần cả trăm giấy sang nhượng đất không đủ tính pháp lí mà cán bộ địa chính xã (ông Lê Hồng Trực thời điểm đó làm cán bộ địa chính xã Ayun) lại ngang nhiên hợp thức hồ sơ để ông Phúc và Nam được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Vụ việc kéo dài qua “ba đời chủ tịch huyện” vẫn không bị phanh phui, chỉ đến khi người dân đòi lại đất thì vụ việc mới vỡ lở.Theo tìm hiểu của PV, hiện nay ông Phúc đã làm thủ tục sang tên cho bà Phạm Thị Kim Loan (SN 1980, trú thôn Châu Sơn, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang). Còn ông Nguyễn Duyên Nam đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Đạt (trú xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang).

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, ông Nguyễn Như Phi - khẳng định: “Vụ việc diễn ra lâu rồi. Đã qua ba đời chủ tịch, giờ mới bị phát hiện. Vì đây là vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều người, nên chúng tôi đang chỉ đạo Thanh tra, Công an huyện vào cuộc. Nếu có hành vi giả mạo giấy tờ, lừa đảo chiếm đoạt đất của dân, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lí nghiêm” - ông Phi cho biết.

PHẠM HƯỞNG