Siêu vũ khí Laser để chống khủng bố

Linh Chi 29/06/2015 15:52

Trong thời điểm mối quan ngại về khả năng các tổ chức khủng bố có thể lợi dụng máy bay không người lái (UAV) để thực hiện các cuộc tấn công, mới đây Nhật Bản đã sắm vũ khí laser hủy diệt nhằm bảo vệ lãnh đạo các nước trên thế giới đến dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở nước này.

UAV ngày càng phổ biến, khiến nhiều người quan ngại các tổ chức khủng bố có thể dùng nó để thực hiện các vụ tấn công

Vũ khí laser hủy diệt mới được sản xuất bởi hãng MBDA của Đức, với khả năng bắn hạ các loại UAV nhỏ trên trời. Công ty này nói rằng mục đích chế tạo ra loại súng hủy diệt UAV là nhằm tránh xảy ra sự kiện như hồi năm 2013, khi một UAV loại nhỏ đã rơi ở vị trí chỉ cách Thủ tướng Đức Angela Merkel có 2m khi bà đang phát biểu trong một sự kiện tổ chức ở Dresden. Điều này cho thấy sự cần thiết của các vũ khí chống UAV.

“Các loại máy bay không người lái nhỏ gọn thực chất là bước tiến công nghệ, nhưng cũng là một mối đe dọa kiểu mới mà không vũ khí thông thường nào có khả năng ngăn chặn hữu hiệu” - MBDA cho biết.

Hãng này cho biết thêm rằng vũ khí laser với độ chính xác cao và tầm bắn xa có thể bảo vệ được các sự kiện lớn cũng như các cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong khi đó súng laser cũng sẽ là một mục tiêu khó nhằm khi được kết hợp với các hệ thống phòng thủ trên không khác, hoặc bảo vệ các UAV của cùng bên.

Ngày nay, nếu chỉ tính riêng ở nước Pháp cũng đã có trên 60 chuyến bay của các loại UAV xuất các khu vực nhạy cảm được báo cáo kể từ tháng 10-2014. Chính phủ Nhật đã sớm nhận ra mối nguy hiểm của UAV một khi được các tổ chức khủng bố trọng dụng nên đã từng có ý định muốn mua hệ thống súng laser của Đức. Họ dự định sẽ sử dụng loại súng này để bảo vệ Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở nước mình vào mùa hè năm sau. Theo một số quan chức Nhật hé lộ, hệ thống này sẽ được triển khai để xua đuổi các UAV lạ khỏi các khu vực nhạy cảm mà các lãnh đạo thế giới sẽ tụ họp.

Hệ thống súng laser, một phần được Bộ Quốc phòng Đức rót kinh phí, sẽ phóng ra một luồng tia cảm ứng giống như cơ chế phát hiện mục tiêu của radar thông thường, và sau đó sẽ phóng một luồng tia laser công suất nhỏ để khóa mục tiêu. Một bộ cảm ứng quang học sau đó sẽ định vị cho chùm tia laser hủy diệt mục tiêu.

Hệ thống gồm 4 nguồn phát laser, mỗi nguồn có công suất 10kW, và hợp lại thành một nguồn laser lớn nhờ một kính hội tụ. Hiệu suất của hệ thống laser đạt khoảng 30%, có nghĩa là khoảng 400-500kW điện năng của pin sẽ cần thiết để sản sinh là luồng laser có công suất 100kW.

MBDA cho biết họ còn thiết kế thành công loại súng phóng laser hợp thành từ 8-10 nguồn laser, nhưng 4-6 nguồn laser là tốt nhất vì lý do kích thước. Hệ thống phóng laser này nhờ có kích thước hợp lý sẽ có thể lắp đặt được trên loại xe tải thường dùng để chở tên lửa phòng không MEADS.

Công ty này còn lên kế hoạch cải tiến hệ thống phóng laser sao cho có khả năng bắn hạ cả các loại thiết bị chở chất nổ kích hoạt từ xa nhờ sử dụng nguồn tia laser công suất từ 5-20kW, có tầm bắn khoảng 500m. Bên cạnh đó là tiếp tục cải tiến khả năng làm mù hoặc phá hủy các thiết bị định vị quang học khác của kẻ thù nhờ sử dụng nguồn laser công suất từ 5kW, có tầm bắn 2,5km.

5 năm sau khi ký kết một hợp đồng phát triển vũ khí laser toàn diện, MBDA cho biết họ còn có thể nâng cấp hệ thống laser này lên tầm bắn trên 1.000m nhờ sử dụng nguồn laser công suấ 10-40kW.

Hồi đầu năm nay, MBDA đã thử nghiệm lần đầu tiên hệ thống phóng laser kiểu này. Họ triển khai một hệ thống laser để theo dõi và hủy diệt một UAV loại nhỏ và chỉ trong vài giây, nó đã bị hủy diệt hoàn toàn. UAV nói trên bay trong tầm ngắm 500 m của dàn phóng laser, điều này cho thấy độ chính xác cao và tốc độ bắn cũng như độ an toàn của hệ thống này.

Các loại vũ khí laser hiện đang là thứ công nghệ mà nhiều nước đang theo đuổi chứ không riêng gì Đức. Cách đây không lâu, một công ty sản xuất vũ khí khác của Đức cũng cho ra một hệ thống vũ khí laser công suất 50kW có thể bắn hạ các máy bay do thám không người lái từ khoảng cách gần 2km. Công ty vừa thực hiện thành công thử nghiệm nói trên là Rheinmetall Defence. Thành công này khiến những loại vũ khí laser tưởng như chỉ có trong các bộ phim khoa học giả tưởng đang ngày càng trở nên thực tế hơn bao giờ hết.

Rheinmetall đã sử dụng các thiết bị laser năng lượng cao để bắn hạ 2 UAV di chuyển nhanh từ khoảng cách gần 2km. Hệ thống của họ gồm 2 súng bắn tia laser còn có thể cắt đứt một cây cột thép từ khoảng cách 1km. Hiện công ty đang có kế hoạch phát triển các thiết bị này thành hệ thống vũ khí laser cơ động cũng như tích hợp vào các khẩu pháo tự động.

Trong một thử nghiệm khác, một cây thép dày 15mm đã bị cắt xuyên qua từ khoảng cách 1km. Các thử nghiệm được tiến hành trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau bao gồm có tuyết, dưới ánh sáng mặt trời và mưa. Rheinmetall còn có dự định thử nghiệm gắn các vũ khí laser trên các phương tiện khác nhau và việc tích hợp một khẩu đại bác 35mm vào hệ thống này. Hiện không ít chính phủ và công ty sản xuất vũ khi đang phát triển các loại vũ khí sử dụng hoặc tích hợp tia laser.

Tại Triển lãm hàng không Farnborough Airshow 2010 Công ty Raytheon của Mỹ cũng từng cho ra mắt súng laser phòng không có công suất 50kW. Hồi tháng 6-2012, quân đội Mỹ cũng công bố chi tiết về một loại vũ khí có thể bắn ra những tia sét được laser dẫn đường vào một mục tiêu giả định.

Trong năm ngoái, nhiều hãng tin phương Tây cũng chỉ ra rằng Mỹ đã thử nghiệm vũ khí laser lắp trên tàu. Nga cũng đang phát triển các loại vũ khí laser, trong đó có dự tính chế tạo cả vũ khí laser lắp trên máy bay.

Linh Chi