Từ lời căn dặn của Bác Hồ đến “Những việc cần làm ngay” của N.V.L

Vũ Ngọc Lân 30/06/2015 08:05

Vào năm 1986, sau Đại hội VI của Đảng, sự nghiệp đổi mới mở ra, là người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trăn trở, suy nghĩ nhiều vấn đề, phải bắt đầu từ đâu, cách làm như thế nào để từng bước đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, ổn định tình hình và đi vào quỹ đạo phát triển. Đi liền với giải quyết vấn đề kinh tế, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chủ trương thực hiện xây dựng Đảng - là nhiệm vụ then chốt.

Từ lời căn dặn của Bác Hồ đến “Những việc cần làm ngay” của N.V.L

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Xí nghiệp liên hợp máy công cụ ngày 20-1-1984

Trong công tác xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đặc biệt chú ý phương châm được thông qua ở Đại hội VI của Đảng: Hãy dũng cảm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật” để thấy rõ những sai lầm, yếu kém, vạch rõ nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục, xoay chuyển tình thế, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và tiến lên. Để làm tốt việc này, đồng chí Nguyễn Văn Linh nghĩ về binh chủng đặc biệt quan trọng trong công tác tư tưởng là báo chí, rằng: “Nhà báo phải có tấm lòng cương trực: yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi; ghét kẻ làm xấu, làm sai, làm ác để lên án.” Và “báo chí tham gia đắc lực vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực cũng như cần chú ý nêu những gương sáng, những mô hình hay xuất hiện ở nhiều nơi và trên các lĩnh vực.” Chính đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đi tiên phong trong công tác này. Ngày 25-5-1987, báo Nhân dân đăng trên trang nhất bài viết với hàng tít đậm “Những việc cần làm ngay,” của tác giả N.V.L. “Những việc cần làm ngay” thành chuyên mục trên báo Nhân dân cho đến cuối năm 1990. Những việc cần làm ngay đã giúp cho quần chúng biết nghị quyết của Đảng, hiểu nghị quyết của Đảng để đấu tranh chống những người làm không đúng, gây oan ức trong nhân dân, phát huy quyền dân chủ, quyền công dân của quần chúng. Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền “đem các vụ việc đó ra xử lý về mặt Nhà nước, về mặt hành chính cũng như về mặt Đảng.”

Về mặt này, thêm một lần nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thể hiện ông là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vì, cách nay tròn 60 năm, vào ngày 4-7-1955, với bút danh H.B, Bác Hồ đã viết bài đăng trên Báo Nhân dân với tiêu đề: “Có phê bình phải có tự phê bình”, trong đó Người yêu cầu “các cơ quan hay địa phương có những vấn đề đã nêu lên nên phát biểu ý kiến, nói rõ chỗ nào báo phê bình đúng, chỗ nào sai, và có khuyết điểm thì phải sửa chữa như thế nào. Có như thế thì phê bình mới có ích”.

Khi “Những việc cần làm ngay” ra đời, có ý kiến nói với tác giả là “nên cẩn thận hơn một chút,” nếu không, “tay phải sẽ đánh vào tay trái.” Cũng có ý kiến nói, những bài “Những việc cần làm ngay” sẽ không được hưởng ứng; đó là những việc nhỏ không đáng làm; phê bình và “tự phê bình công khai chỉ làm rối lòng dân, làm cản trở công việc của cán bộ lãnh đạo”. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trả lời: “Có gì sai khi chúng ta dám nói lên sự thật, cho dù đó là sự thật đau lòng, để sửa chữa và khắc phục”.

Cách đây 63 năm, với bút danh C.B, Bác Hồ đã viết bài “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí” đăng Báo Nhân dân số 68, ra ngày 31-7-1952, trong đó có đoạn viết: “Gần đây, nhân dân và báo chí đã bắt đầu (tuy còn e dè, thưa thớt) phê bình. Song những tổ chức hoặc cơ quan bị phê bình thì im lìm, không đăng báo tự phê bình, không tìm cách sửa chữa. Đó là thái độ “bưng mắt, bắt chim”, thái độ “giấu bệnh, sợ thuốc”, một thái độ không thật thà, không đứng đắn. Mong những ai, những cơ quan nào đã được nhân dân hoặc báo chí phê bình, thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, trên báo chí”.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã nhiều lần chỉ thị về vấn đề tự phê bình và phê bình trên báo chí. Ngay sau khi giành lại hòa bình ở miền Bắc, đất nước ta đang trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến tới cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất đất nước, ngày 8 tháng 12 năm 1958, Bộ Chính trị BCH Trung ương (khóa II) đã có Nghị quyết về phê bình và tự phê bình trên báo chí. Trong bài “Tăng cường công tác báo chí của chúng ta”, Tổng Bí thư Trường Chinh lúc bấy giờ đã viết: “Chúng ta chủ trương bất cứ một người dân hay là một tập thể quần chúng nào thấy cán bộ và cơ quan công tác của Đảng và Nhà nước làm điều gì sai trái, gây tổn hại cho Đảng, cho Nhà nước và cho nhân dân, đều có thể công khai phê bình lên báo chí”. Cách đây hơn 40 năm, khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang vào thời kỳ cam go, khốc liệt, vậy mà vào ngày 13 tháng 3 năm 1972, Bộ Chính trị BCH Trung ương (khóa III) vẫn ban hành Chỉ thị “Về mở rộng phê bình trên báo chí”. Bản Chỉ thị nêu rõ: “việc phê bình và tự phê bình trên báo chí trong điều kiện cả nước có chiến tranh tuy có mặt bị hạn chế, nhất là phải giữ gìn những bí mật của Đảng và Nhà nước, nhưng (...) để góp phần thúc đẩy mọi mặt công tác của Đảng và Nhà nước ta, phục vụ tốt hơn nữa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, cần mở rộng việc phê bình và tự phê bình trên báo chí của Đảng, của các đoàn thể quần chúng, các ngành và các địa phương”.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, ngày 21 tháng 9 năm 1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ban hành Chỉ thị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm sử dụng tốt hơn báo chí trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực”. Bản Chỉ thị có nhiều nội dung rất quan trọng, thẳng thắn, cầu thị của Đảng ta. Chỉ thị có đoạn ghi rõ: “Tất cả các cấp ủy, cơ quan của Đảng và Nhà nước, các cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc hơn nữa tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng về “Cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng, làm trong sạch và nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước; đẩy lùi và xóa bỏ hiện tượng tiêu cực, làm lành mạnh các quan hệ xã hội và thực hiện công bằng xã hội và cần đưa công khai lên báo, đài hoặc qua các cuộc sinh hoạt của các tổ chức đảng và đoàn thể quần chúng những vụ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao mắc sai lầm nghiêm trọng về phẩm chất, đạo đức”. Trong giai đoạn này, báo chí đã “vào cuộc” một cách đầy hứng khởi, tự tin, được cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhân dân cả nước ủng hộ, với hàng loạt bài lay động lòng người. Đặc biệt, loạt bài “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L đã làm sinh động, tăng cường tính chiến đấu của báo chí, động viên, tiếp sức cho báo chí và các nhà báo của chúng ta hoàn thành tốt sứ mạng của mình.

Từ lời căn dặn của Bác Hồ đến “Những việc cần làm ngay” của N.V.L là cả một quá trình, qua nhiều giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước ta, các thế hệ lãnh đạo luôn luôn quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Có phê bình phải có tự phê bình”. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” và tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng, vấn đề phê bình và tự phê bình trên báo chí lại càng là công tác rất cần thiết và quan trọng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dâng hương tưởng niệm
cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915-1/7/2015), chiều 29-6 đã diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên; bà Ngô Thị Huệ, phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhân dân địa phương đã kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản kiên cường, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo của Đảng.

Sau lễ dâng hương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cùng xem lại những hình ảnh, kỷ vật gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được gìn giữ tại khu lưu niệm như: Bản kết án tù khổ sai của tòa án đại hình Pháp, 2 thùng đạn dùng đựng tài liệu, những cuốn sách đồng chí Nguyễn Văn Linh đã viết, những hiện vật giá trị mà đồng chí đã tặng cho nhân dân: cây gậy đầu rồng, bộ ấm chén... thể hiện tình cảm sâu sắc của nhà lãnh đạo.

N.Khánh

Vũ Ngọc Lân