Không khai thác động, thực vật quý hiếm trong rừng
Theo đánh gia của các cơ quan bảo tồn, thời gian qua, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng vẫn diễn ra thường xuyên, với hình thức ngày càng tinh vi, phức tạp. Điều đáng nói là, việc tàn phá rừng đã khiến số loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp quý, hiếm tại một số cánh rừng và trong các khu bảo tồn bị suy giảm về số lượng cũng như bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao.
Một số loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng
Theo Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp), những năm gần đây, nhiều diện tích rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng các công trình thủy điện, công trình cơ sở hạ tầng, đường giao thông, khai thác khoáng sản. Theo thống kê từ năm 2006 đến nay, có tới 160 dự án thuộc 29 tỉnh thành thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng các công trình thủy điện với diện tích 20.000 ha. Thực tế này đã ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của đất nước. |
Tại Quyết định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng và hưởng lợi từ rừng phòng hộ; đầu tư phát triển rừng phòng hộ vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không được khai thác những loài động, thực vật rừng nguy cấp quý, hiếm và những loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên.
Theo đó, khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ tuyệt đối không làm giảm chức năng phòng hộ của rừng và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.Trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên không được khai thác những loài động, thực vật rừng nguy cấp quý, hiếm và những loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng phòng hộ bảo vệ môi trường là rừng tự nhiên không được phép khai thác gỗ. Trường hợp rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu là rừng tự nhiên chỉ được phép tận thu gỗ là những cây, lóng, khúc, bìa bắp gỗ đã khô mục, lóc lõi, gỗ cháy; khai thác tận dụng gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên diện tích giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình hoặc sử dụng vào mục đích khác ở những đối tượng rừng tự nhiên là rừng giàu và rừng trung bình.
Cũng theo Quyết định này, rừng phòng hộ là rừng trồng do ngân sách nhà nước đầu tư chỉ được khai thác cây trồng xen, cây phù trợ, tỉa thưa; thu gom cây gỗ nằm, gỗ khô mục, lóc lõi, gỗ cháy, cành, ngọn, gốc, rễ cây, nhưng phải bảo đảm mật độ cây trồng chính còn lại ít nhất là 600 cây/ha. Riêng rừng phòng hộ là rừng trồng do người được giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ tự đầu tư thì được khai thác cây trồng xen, cây phù trợ; tỉa thưa, tận thu, tận dụng gỗ; được chặt chọn cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác với cường độ khai thác không quá 30% trữ lượng, sau khi khai thác rừng vẫn đạt tiêu chuẩn định hình theo quy định.
Quyết định cũng nêu rõ, Ban quản lý rừng phòng hộ được tự tổ chức, liên kết hoặc cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo trong rừng phòng hộ; phát triển du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ thực hiện theo đúng quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.