MERS - CoV vẫn diễn biến phức tạp
Tính đến ngày 16-6, Tổ chức Y tế thế giới thông báo đã ghi nhận 1.313 trường hợp mắc bệnh tại 26 quốc gia, trong đó có 460 trường hợp tử vong. Các nước có bệnh nhân nhiễm MERS-CoV chủ yếu thuộc vùng Trung Đông. Tại Ả Rập Xê Út, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất mỗi ngày vẫn ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới. Còn tại Hàn Quốc, ngày 17-6, nước này ghi nhận thêm 8 trường hợp nhiễm Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS -CoV), nâng tổng số người nhiễm căn bệnh này lên con số 162 và 20 người thiệt
Học sinh tiểu học thành phố Pyeongtaek (Hàn Quốc)
đo thân nhiệt trước khi vào học
Ảnh:Reuters
Đáng lo ngại, Bộ Y tế Cộng hòa Czech thông báo, ngày 16-6, một bệnh nhân bị nghi nhiễm virus MERS-CoV đầu tiên của nước này đã nhập viện. Đó là bệnh nhân nam 25 tuổi bị nhiễm bệnh sau một chuyến đi tới Hàn Quốc vào cuối tháng 5 vừa qua. Trước đó, một bệnh nhân ở Đức đã qua đời vì mắc MERS-CoV. Đây là trường hợp tử vong vì MERS đầu tiên được ghi nhận ở châu Âu.
Mặc dù đến nay Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào mắc MERS- CoV nhưng trước tình hình bệnh diễn biến nhanh và trước khả năng bệnh có thể vào Việt Nam, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp nhằm phòng chống dịch bệnh cũng như sẵn sàng cho các giải pháp ứng phó nếu xuất hiện bệnh nhân nhiễm MERS-CoV tại Việt Nam.
Cụ thể, ngoài việc giám sát chặt chẽ tất cả các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, đặc biệt hành khách đến từ các quốc gia có dịch thì hiện Bộ đã có bốn đội phản ứng nhanh phòng chống dịch MERS-CoV của khu vực miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên được thành lập, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ củng cố hơn nữa nguồn nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất, năng lực về xét nghiệm để kịp thời xử lý các tình huống có bệnh nhân mắc MERS – CoV.
Trước đó, Bộ Y tế đã quyết định lập phòng khám riêng cho người về từ vùng có dịch MERS-CoV. Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, các BV cần lập phòng khám riêng các trường hợp có tiền sử đi từ vùng có dịch với các triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt…), tránh để người bệnh đi lại nhiều nơi trong bệnh viện lây lan cho các bệnh nhân khác. Nếu phát hiện ca nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp tính do MERS-CoV cần cách ly tạm thời, thông báo khẩn cho y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hoặc Viện Pasteur TP.HCM để chẩn đoán kịp thời.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ chỉ đạo BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV trung ương Huế, BV Nhiệt đới trung ương, BV Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh tổ chức một số lớp đào tạo chuyên sâu về hồi sức cấp cứu như: lọc máu, chạy thận nhân tạo... cho các cán bộ y tế. Dự kiến lớp đầu tiên sẽ được tổ chức vào ngày 17-6 tại Thái Nguyên với 200 học viên.
Sở Y tế Hà Nội cũng vừa công bố thành lập Tổng đài tư vấn cho người dân, cộng đồng cách phòng chống dịch bệnh MERS bằng 3 thứ tiếng là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc. Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn cũng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh với mục tiêu phát hiện sớm trường hợp nhiễm MERS-CoV, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong.
Có thể nói, công tác phòng chống dịch MERS – CoV đang được các cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện. Các bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện cho phòng chống dịch…