UBND huyện Phúc Thọ kiểm tra, giải quyết vấn đề báo nêu

BBĐ 30/06/2015 13:26

Báo Đại Đoàn Kết số 145 ra ngày 25-5-2015 có bài viết: “Chết mòn vì khói lò gạch”, nêu phản ánh của người dân xung quanh việc đốt lò gạch ở huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Vừa qua, Tòa soạn đã nhận được văn bản số 503/UBND-QLĐT ngày 19-6-2015 của UBND huyện Phúc Thọ phúc đáp.

Theo văn bản cho biết: “Thực hiện Chỉ thị số 10/TTg ngày 16-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; Kế hoạch 130/KH-UBND ngày 17-10-2011 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai thực hiện xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn thành phố, đến tháng 7-2013 UBND huyện Phúc Thọ đã tháo dỡ 108 vỏ lò gạch thủ công, hoàn thành việc xóa bỏ toàn bộ các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường (trong đó xã Xuân Phú đã tháo dỡ 6 vỏ lò). Cho đến nay không còn việc sản xuất lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện.

Hiện nay trên địa bàn huyện có 31 cặp lò gạch theo công nghệ xử lý khói thải không gây ô nhiễm môi trường được Sở Xây dựng báo cáo tại văn bản số 3401/BC-SXD ngày 24-5- 2013 của Sở Xây dựng về việc áp dụng công nghệ xử lý khói thải trong sản xuất gạch đất sét nung theo đề xuất của một số huyện. Trong đó, trên địa bàn xã Xuân Phú có 2 cặp lò gạch áp dụng công nghệ xử lý khói thải nằm ở khu vực bãi nổi bên kia sông Hồng giáp ranh với các xã : Liên Châu, Hồng Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. 2 cặp lò gạch nêu trên đã được UBND thành phố, Sở Xây dựng cho phép triển khai; UBND huyện Phúc Thọ đã phê duyệt đề án tại Quyết định số 3245/QĐ-UBND ngày 19-5-2014, đề án của Công ty Đức Trung chuyển giao công nghệ. Các lò gạch nói trên đều cách xa khu dân cư (khoảng 2,5 km) và là lò gạch theo công nghệ xử lý khói thải không gây ô nhiễm môi trường, vì vậy không ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu và sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Về bến bãi bốc xếp vật liệu xây dựng: Qua kiểm tra tại đây là điểm bốc xếp vật liệu quy mô nhỏ (sỏi cuội, cát đổ bê tông, cát xây dựng với tổng khối lượng tại bãi rất ít, dưới 100 m3). Điểm bốc xếp này chỉ bốc xếp cát sỏi phục vụ trực tiếp cho doanh nghiệp để xây dựng các công trình đường sá, trường học, công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới của các xã: Liên Châu, Hồng Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. UBND huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo các phòng, ban ngành hướng dẫn, yêu cầu chủ doanh nghiệp thực hiện ngay các thủ tục để xin phép quy hoạch bến bãi, làm các thủ tục về phao tiêu, biển báo và những thủ tục khác liên quan để đảm bảo an toàn giao thông thủy cũng như các yêu cầu khác theo quy định.

BBĐ