Kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Hồi hộp bước vào ngày thi đầu tiên

Huyền Trang - Hà Ngân 01/07/2015 07:16

Sáng qua (30-6), gần một triệu thí sinh cả nước đã đến các cụm thi để làm thủ tục tham dự kỳ thi THPT Quốc gia giữa cái nắng gay gắt. Hôm nay (1-7), các thí sinh sẽ bước vào ngày thi chính thức đầu tiên, với 2 môn Toán (180 phút) và Ngoại ngữ (90 phút).

* 95% thí sinh cả nước làm thủ tục dự thi
* Công khai đường dây nóng phản ánh bức xúc, tiêu cực

Ảnh: Thủy Anh

Kịp thời chấn chỉnh sai sót

Trong buổi làm thủ tục dự thi, các giám thị đã dành nhiều thời gian để phổ biến kỹ các điểm mới cho thí sinh như những thông tin liên quan đến làm bài thi trắc nghiệm, ghi số báo danh, đối chiếu chứng minh thư của từng thí sinh dự thi… Ông Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: Nếu những năm trước, thí sinh làm thủ tục tại phòng nào sẽ thi ở phòng đó và chỉ thi một phòng trong các buổi, thì năm nay có thể có thí sinh sẽ phải di chuyển phòng thi.

Được biết, trong buổi làm thủ tục số lượng sai sót tại các cụm thi ở Hà Nội không phải chỉnh sửa nhiều. Tại các trường cũng tạo điều kiện hết sức có thể cho thí sinh được dự thi.

Ở cụm thi số 2 trường ĐH Kinh tế quốc dân có 92 trường hợp bị sai sót về chứng minh thư nhân dân, ngày sinh… GS TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: Tổng số hồ sơ tiếp nhận tại cụm thi của Trường là 11.950 thí sinh. Trong buổi làm thủ tục dự thi có 11.705 thí sinh đến nhận phòng thi (vắng 245 thí sinh). Số thí sinh vắng mặt chủ yếu là thí sinh tự do. Trong sáng hôm qua, có 1 thí sinh bị đau gan xin phép không dự thi. Có 4 thí sinh nhầm địa điểm thi đã được các tình nguyện viên đưa về địa điểm thi an toàn. 1 thí sinh ở Trung tâm GDTX quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) không có tên ở hội đồng thi phải báo lên Sở GD&ĐT Hà Nội để bổ sung cho thí sinh…

Tại hội đồng thi trường ĐH Thủy lợi cũng có 2 trường hợp thí sinh báo ốm, trong đó có một thí sinh được phụ huynh đến Trường báo bị sốt xuất huyết, đau ruột thừa. Một vài trường hợp thí sinh sai sót trong giấy chứng minh thư (khi đăng ký dự thi THPT Quốc gia là số chứng minh thư cũ nhưng khi làm thủ tục dự thi sáng nay là số chứng minh thư mới). GS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi cho biết, trong gần 16.000 thí sinh đăng ký dự thi thì có tới 14.867 thí sinh đăng ký dự thi môn Toán, tiếp đến là môn Tiếng anh với 13.263 thí sinh; môn Ngữ văn: 14.446 thí sinh; môn Vật lý: 9.962 thí sinh; môn Địa: 4.574 thí sinh; môn Hóa: 7.514 thí sinh; môn Lịch sử: 1.917 thí sinh và môn Sinh: 2.968 thí sinh. Có nhiều môn chỉ có 5 thí sinh đăng ký dự thi như Tiếng Trung, Tiếng Đức… Những môn ít thí sinh đăng ký dự thi, Trường đã tiến hành ghép các môn ngoại ngữ khác nhau để tránh tình trạng một phòng chỉ có vài thí sinh.

Tương tự, tại ĐH Kinh tế quốc dân cũng có môn chỉ có 6 thí sinh trên một phòng thi ở môn Lịch sử. Tỉ lệ của 8 môn thi thí sinh đăng ký như sau: Toán 99,6%, Ngoại ngữ 87%, Ngữ văn 90%, Vật lý 63,8%, Hóa học 57,2%, Địa lý 26,4%, Sinh học 21%, Lịch sử 9,5%.

Ảnh: Thủy Anh

Giảm bớt áp lực cho các nhà trường

Nhận định về kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân đánh giá, kỳ thi có nhiều môn thi được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH phần nào giúp nhà trường giảm bớt được áp lực phải tổ chức mỗi năm hai đợt thi tuyển. “Đối tượng tham gia cuộc thi này hầu hết là học sinh phổ thông có mục đích lấy kết quả của kỳ thi để xét tốt nghiệp hoặc đồng xét tốt nghiệp và tham dự tuyển sinh ĐH, CĐ nên sẽ ít thí sinh ảo, tạo điều kiện cho nhà trường tổ chức tốt khâu chuẩn bị cho kỳ thi từ phòng thi, nhân lực phục vụ cho kỳ thi, bớt được chi phí cho nhà trường”, GS Đạt nói.

Về khó khăn khi tổ chức kì thi, GS Đạt cho rằng, do có nhiều môn tự chọn nên số lượng thí sinh các buổi không giống nhau. Có điểm thi sử dụng hết 8 buổi thi, có buổi thi chỉ thi 4 buổi không liên tục nên việc chuẩn vị các loại danh sách, điều động cán bộ và có phương án đảm bảo công việc chuẩn xác là một việc không dễ dàng.

95% thí sinh cả nước làm thủ tục dự thi

Chiều 30-6, theo thông tin nhanh từ Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2015, có 957.529 thí sinh đến các điểm thi làm thủ tục dự thi, chiếm khoảng 95% tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Kỳ thi quốc gia năm nay có 38 cụm thi quốc gia do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm thi địa phương do các sở GD&ĐT chủ trì. Các cụm thi đã bố trí tổng cộng hơn 1.600 điểm thi với gần 35.000 phòng thi. Trong ngày 30-6, có 957.529 thí sinh đến các điểm thi làm thủ tục dự thi, chiếm khoảng 95% tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Tuy nhiên, theo thông tin từ các cụm thi, số thí sinh vắng mặt trong ngày làm thủ tục dự thi chủ yếu là thí sinh tự do, đã từng thi các năm trước. Do đó, dự kiến số thí sinh thực tế dự thi từ ngày 1-7 sẽ cao hơn số thí sinh đã làm thủ tục dự thi ngày 30-6.

PV

Bước vào kỳ thi hiệu quả

Tại Cụm thi số 1 ĐH Bách khoa, năm nay có 15.386 thí sinh dự thi. Theo PGS.TS Đinh Văn Hải (Trưởng phòng Công tác chính trị và công tác sinh viên) khẳng định: ĐH Bách khoa đã bố trí cơ sở vật chất, chuẩn bị nguồn lực, huy động cán bộ giảng viên, sinh viên tham gia tổ chức kỳ thi với chủ trương: “Trách nhiệm, an toàn, nghiêm túc, và đúng quy chế”. Trong hoạt động “tiếp sức mùa thi” cũng đã dành 3.000 chỗ ở cho thí sinh và người nhà. Tại buổi làm thủ tục, số thí sinh sửa sai chủ yếu về ảnh, năm sinh, họ tên… cũng đã được nhà trường tạo điều kiện hết sức để cho các em được dự thi, bằng cách viết giấy cam đoan bổ sung, chụp ảnh lại. Về kế hoạch đảm bảo an toàn trong kỳ thi, quan trọng nhất là kiểm tra thí sinh trước khi vào phòng. Nhà trường cũng đã quán triệt cán bộ coi thi phải nghiêm túc, xác minh rõ có phải thí sinh dự thi không…
Để giúp các thí sinh có tâm lý vững vàng, thuận lợi trong đợt thi tuyển, CLB Phát triển kỹ năng (ĐH Thủy lợi) phối hợp với đội thanh niên tình nguyện ĐH Thủy lợi tổ chức chương trình “Xe ôm tình nguyện”. Theo đó, từ ngày 28-6 đến 4-7, thí sinh và phụ huynh tại sẽ được các tình nguyện viên hỗ trợ di chuyển miễn phí đến các khu nghỉ trọ hoặc điểm thi tất cả các bến xe nội thành và cụm thi ĐH Thủy lợi.

Thí sinh Phương Thảo (Thanh Oai, Hà Nội) cũng chia sẻ sự hồi hộp trước khi bước vào kỳ thi: “Kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp THPT và ĐH khiến em cảm thấy áp lực hơn. Bởi nếu đi thi mà có gì sai sót, bị điểm liệt thì sẽ không tốt nghiệp được THPT chứ nói gì đến xét tuyển ĐH”. Tại đây, thí sinh Bùi Phương Thảo (THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) bị bỏng ở chân và tay đã được các SV tình nguyện giúp đỡ lên phòng thi tại tầng 5. Tình trạng bán tăm nhân đạo, phát tờ rơi, quảng cáo trắng trường thi vẫn diễn ra như mọi năm, chủ yếu là các tờ rơi về tuyển sinh du học, ưu đãi học bổng của các trường ĐH, CĐ dân lập… Tuy nhiên, những tờ rơi đã được các bạn sinh viên tình nguyện và cả thí sinh cùng nhau dọn dẹp sạch sẽ.

Công khai đường dây nóng phản ánh bức xúc, tiêu cực

Ban chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia 2015 đã thông báo công khai số điện thoại, email trực thi của Bộ GD&ĐT để các thí sinh, phụ huynh và xã hội kịp thời phản ánh tiêu cực, khiếu nại tố cáo về kỳ thi. Cụ thể như sau: Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2015: Số điện thoại: 04.36231138; 04.36230816; 04.36231137; Số fax: 04.36230633; 04.36231136; email: thi-ts@moet.edu.vn. Thanh tra Bộ: Điện thoại: 04.36231285, đường dây nóng 01644756210; Fax: 04.38684763; email: thanhtradiaphuong@moet.edu.vn. Đặc biệt, các bức xúc, phát hiện có thể phản ánh trực tiếp tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận qua email: pvluan@moet.edu.vn

Mỹ Quyên

Huyền Trang - Hà Ngân