Lại một mùa muối chát

Minh Phương 01/07/2015 08:02

Được mùa những tưởng là niềm vui nhưng với diêm dân các tỉnh miền Trung, năm nay được mùa lại là nỗi lo, vì giá thấp, không tiêu thụ được.

Trên cánh đồng muối

Nắng nóng kéo dài ngay từ đầu vụ giúp cho bà con diêm dân năm nay được mùa muối và thu hoạch sớm hơn mọi năm. Thế nhưng, điều này lại không mang lại niềm vui cho diêm dân vì giá muối giảm quá thấp. Tại tỉnh Ninh Thuận, vụ muối năm nay, diêm dân của “vựa muối” thu hoạch sớm với sản lượng đạt cao hơn 1,5 lần so với vụ mùa năm 2014.

Thế nhưng, theo chia sẻ của bà Phạm Thị Tuyên, một diêm dân ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, mặc dù thu hoạch muối đầy đồng, chất hàng núi nhưng giá muối năm nay chỉ bán được có hơn 1.000 đồng/kg, đã thế thương lái còn không tới thu mua… khiến cho cánh đồng muối nhà bà Tuyên muối ế trắng đồng. Nhiều diêm dân ở huyện Ninh Hải cho biết, mặc dù làm muối là nghề chính của bà con diêm dân nơi đây, song lâu nay, nghề muối chưa bao giờ hết bấp bênh, luôn trong cảnh được mùa rớt giá.

Nam Định cũng là địa phương có số đông người dân theo nghề muối vì có lợi thế về đường biển. Tuy nhiên, cũng đồng cảnh ngộ như bà con diêm dân huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, bà con địa phương này cũng đang lao đao vì muối thu hoạch nhiều nhưng giá bán chẳng được bao nhiêu. Ông Nguyễn Văn Chương, diêm dân ở Hải Hậu, Nam Định than thở: “Giá muối hiện chỉ ở mức 1.200 - 1.300 đồng/kg thì bà con diêm dân sống sao?”

Được biết đến với những làng muối như Hải Hậu, Giao Thủy với những cánh đồng muối trải dài, thế nhưng, chính điệp khúc được mùa rớt giá, sự bấp bênh trong thu nhập đã đẩy nhiều diêm dân ở Nam Định đến tình cảnh rời cánh đồng ra thành thị kiếm sống. Bởi thế, diện tích muối ở Nam Định cứ ngày một thu hẹp dần. Từ môt địa phương có đến hơn 1000 ha muối, đến thời điểm này, Nam Định đã giảm đi 50% diện tích, chỉ còn chừng 5.00 ha.

Con số thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, toàn quốc hiện có 21 tỉnh, thành phố, gồm 41 huyện, 118 xã có nghề sản xuất muối. 5 tháng đầu năm 2015, sản lượng muối cả nước đạt khoảng 814.834 tấn, tăng 20,1% so với cùng kỳ 2014, trong đó, muối sản xuất thủ công ước đạt 439.753 tấn, giảm 2,9% so với cùng kỳ 2014, muối sản xuất công nghiệp đạt 247.761 tấn, tăng 42,7% so với cùng kỳ 2014. Theo Bộ này, số lượng muối tồn ở trong diêm dân và một số DN sản xuất ước khoảng gần 600 ngàn tấn, nhiều gấp 4 lần so với năm 2014. Nguyên nhân tồn kho muối lớn được Bộ NN&PTNT chỉ rõ, là do thời tiết khô hạn kéo dài khiến lượng muối thu hoạch tăng mạnh và lượng muối chờ tiêu thụ lớn. Thế nhưng nghịch lý ở chỗ, lượng muối tồn đang chờ tiêu thụ lớn như vậy, diêm dân méo mặt vì thu hoạch muối nhiều không bán được, song Việt Nam vẫn đang phải đi nhập muối công nghiệp để phục vụ sản xuất.

Nghịch lý này đặt ra một yêu cầu rất bức thiết hiện nay, đó là phải cơ cấu lại ngành muối, nếu không, thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng hơn sẽ càng gia tăng sự cạnh tranh, lúc đó ngành muối vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn, thu nhập của diêm dân cũng sẽ bấp bênh hơn…

Trước thực trạng của ngành muối, đầu tháng 5 Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành muối. Theo mục tiêu của Đề án đặt ra, đến năm 2020, tổng diện tích muối giữ ở mức ổn định là 14.500ha, sản lượng 2 triệu tấn, trong đó, muối công nghiệp là 8.000ha, sản lượng đạt 1.310.000 tấn. Chất lượng muối đạt chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia. Đặc biệt, Đề án này cũng đặt ra yêu cầu về việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi đồng muối của dân, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị gia tăng ít nhất 20%; xây dựng được mô hình liên kết hợp tác sản xuất muối sạch bền vững, thúc đẩy sự hợp tác của người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối.

Để đề án tái cơ cấu ngành muối được thực hiện thành công, tại Hội nghị công bố Kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành muối theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám yêu cầu, Cục Chế biến nông - lâm - thủy sản và nghề muối sẽ nghiên cứu thành lập Hiệp hội nghề muối. Theo ông Tám, Hiệp hội Nghề muối sẽ là cầu nối các DN với cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lơi người sản xuất và DN ngành muối.

Theo ý kiến của giới chuyên gia, ngoài việc tập trung vào cải thiện sản xuất chế biến đã được đặt ra trong đề án, nhà quản lý cần quan tâm đến yếu tố làm sao để nâng cao chất lượng muối trong nước đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành sản xuất trong nước, cạnh tranh với muối nhập khẩu, có như vậy, muối của bà con nông dân làm ra mới không còn vị “chát” như bao vụ muối đã qua…

Minh Phương