Giải quyết bạo lực giới: Còn đó những khoảng trống

Lan Hương 01/07/2015 15:15

“Vấn đề bạo lực giới hiện không chỉ gia tăng về số lượng, mà những trường hợp bạo lực ngày càng có tính nghiêm trọng hơn. Trong khi đó hiện vẫn chưa có quy định chính thức về cơ quan chịu trách nhiệm chính trong vai trò quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm giải trình về bạo lực trên cơ sở giới nói chung”. Đây là một trong những vấn đề được các đại biểu đặt ra tại hội thảo: Xây dựng mô hình dịch vụ cho người bị bạo lực giới tại Việt Nam sáng ngày 30-6 tại Hà Nội.

Giải quyết bạo lực giới: Còn đó những khoảng trống

Ảnh minh họa

Nguồn: baophapluat.vn

Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTB&XH) cho biết, thực trạng bạo lực trên cơ sở giới tại nước ta vẫn ở mức đáng báo động - với 58% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết đã từng hứng chịu bạo hành. Mặc dù vậy, 50% nạn nhân âm thầm chịu đựng mà không dám nói với ai, gần 80% nạn nhân chưa được nhận hỗ trợ từ các cơ quan đoàn thể, chính quyền. Tình trạng nạo phá thai để lựa chọn giới tính diễn ra công khai mà không hề bị xử phạt; mại dâm cưỡng bức, quấy rối tình dục xảy ra ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khiến phụ nữ và trẻ em gái đối mặt với đầy rẫy mối nguy hiểm cũng như sự kỳ thị của xã hội. Đáng lo ngại, trong 5 năm từ 2008-2012 đã có 5.960 vụ lạm dụng tình dục trẻ em gái và cưỡng hiếp phụ nữ được phát hiện trên toàn quốc…

Cũng theo ông Phạm Ngọc Tiến, nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên do các chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới còn quy định rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chưa hệ thống. Đặc biệt, chưa có quy định chính thức về cơ quan chịu trách nhiệm chính trong vai trò quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm giải trình về bạo lực.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Hồng, đại diện Hội phụ nữ xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, Bắc Ninh cho rằng, bên cạnh những lỗ hổng về pháp luật thì việc chạy đua làng, xã, thôn văn hóa đã vô tình tạo ra mảnh đất màu mỡ cho bạo lực trú ngụ. “Theo quy định, nếu trong thôn, xã phát hiện một gia đình nào đó mà có bạo lực gia đình thì cả thôn, xã đó không được xét duyệt văn hóa. Cũng vì quy định này mà khi có xảy ra bạo lực gia đình, bản thân nạn nhân cũng chịu đựng không dám tố cáo, hàng xóm cũng không dám lên tiếng, vì sợ bị phát hiện thì thôn sẽ không được công nhận”- chị Nguyễn Thị Hồng kể.

Xuất phát từ thực tế trên, hiện Bộ LĐTB&XH đang xây dựng dự thảo lần 2 Đề án phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030. Dự kiến trong tháng 10 hoặc tháng 11- 2015 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Lan Hương