Bộ Giao thông Vận tải xử lý hằn lún vệt bánh xe

01/07/2015 15:22

Đường hằn lún không phải do… trời, mà do ý thức của con người. Chính vì vậy, tìm giải pháp cấp bách để khắc phục, là trách nhiệm của không chỉ ngành giao thông. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm, thiết kế, thi công, quản lý chất lượng xử lý hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa, diễn ra ngày 30-6, tại Hà Nội.

Bộ Giao thông Vận tải xử lý hằn lún vệt bánh xe

Nguồn:baogiaothong.vn

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, từ năm 2013 đến 2015, mỗi năm nguồn tiền đầu tư cho giao thông xấp xỉ 6 tỷ USD. Chính vì vậy, kết cấu hạ tầng giao thông hoàn thành được đưa vào khai thác đã phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khi đưa vào khai thác, một số tuyến đường đã hư hỏng cục bộ, đặc biệt là hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, gây bức xức dư luận, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình giao thông, gây TNGT. Có nhiều nguyên nhân, như điều kiện thi công khác nhau, trong thời tiết khác nhau, tuyến đường cấp thấp, cấp cao, nhà thầu khác nhau, xe quá tải, ý thức tham gia giao thông… Song nếu chỉ “đổ lỗi” do nguyên nhân khách quan, đối với người làm giao thông, là chưa đúng với bản chất. Ở đây, trách nhiệm chính thuộc về người làm giao thông, làm tuyến đường. Nhìn nhận đúng vấn đề, sẽ có biện pháp cụ thể.

Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) cho biết, trên thực tế, hằn lún vệt bánh xe phát triển mạnh nhất từ cuối tháng 4 đến tháng 8. Một số đoạn tuyến xuất hiện trở lại (sau khi đã khắc phục), có chiều dài từ 0,35 đến 8,86km. Qua kiểm tra, ở nhiều đoạn tuyến, công tác kiểm soát bê tông chưa thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT, vật liệu đá thí nghiệm một đằng thi công một nẻo. Hàm lượng nhựa cao, thi công trong điều kiện thời tiết không đảm bảo… Bên cạnh đó mật độ phương tiện giao thông, nhất là xe tải trọng đang tàn phá những con đường.

Hiện nay, kết quả khảo sát cũng cho thấy, trên nhiều tuyến đường hiện tượng hằn lún vệt bánh xe chỉ xảy ra ở chiều xe chạy hướng về Quốc lộ 1, 5, 18, Quốc lộ 1 đoạn Vinh-Hà Tĩnh…Đoàn chuyên gia đã trực tiếp kiểm tra và xác định được nhiều vùng, mặt đường có nhiệt độ cao hơn 60 độ C (với nhiệt độ không khí là 36 độ C) và như vậy nhiệt độ dưới chiều sâu 2cm còn lớn hơn nữa dù đây chưa phải là nhiệt độ cao nhất của các đợt nắng nóng vừa qua. Ngoài ra, kết cấu mặt đường thiết kế chưa đảm bảo về công năng và thoát nước tốt cho móng và mặt. Nhiều đoạn tuyến thiết kế và giải pháp thi công không đảm bảo việc thoát nước cho lớp móng bên dưới dẫn đến dễ bị ẩm ướt, giảm dính bám, giảm cường độ là tác nhân gây hư hỏng biến dạng lớp bê tông nhựa bên trên. Cá biệt, trên Quốc lộ 1 đoạn qua các tỉnh Nam Trung bộ, đá lẫn thạch anh, có độ dính bám kém, cường độ yếu nếu sử dụng làm bê tông nhựa sẽ gây hư hỏng và hằn lún vệt bánh xe.

“Khí hậu khắc nghiệt miền Trung, nhiều nơi đạt 40-41 độ, kết hợp hấp thụ nhiệt mặt đường, lưu lượng xe lớn tạo lún. Nhiệt độ cao làm yếu mặt đường, nhựa không đủ chặt kết hợp xe quá tải làm lún đường. Muốn phá đường, nhiệt độ phải trên 85 độ. Cho nên yếu tố thời tiết, không phải thủ phạm”, đại diện Tâp đoàn Sơn Hải cho biết.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, trách nhiệm thuộc về các đơn vị thực hiện.

Tuấn Việt