Hà Tĩnh: Một thầy giáo có bộ sưu tập đồ cổ quý hiếm thời Trần, Lê, Nguyễn
Ngày 1/7, ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biêt: Trong quá trình khảo sát, sưu tầm các tài liệu, hiện vật lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Nghi Xuân, đơn vị này đã phát hiện ra một nhóm hiện vật bằng chất liệu gốm sứ và đồng cổ, có niên đại thời Trần, Lê Nguyễn đang được gia đình thầy giáo Nguyễn Văn Minh (xã Xuân Hải, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lưu giữ.
Chiếc bình vôi cổ lần đầu tiên được tìm thấy ở Hà Tĩnh
Theo ông Lê Bá Hạnh thì nhóm hiện vật cổ nói trên thuộc nhiều loại hình và niên đại khác nhau bằng các chất liệu gốm sứ và đồng cổ. Trong đó có chiếc bình vôi cổ có kích cỡ cực lớn, màu men tráng mịn, trang trí hoa văn đẹp, lần đầu tiên được tìm thấy trên địa bàn Hà Tĩnh. Chiếc bình vôi có niên đại thời Nguyễn, bằng chất liệu sành sứ cổ, phía trên quai bình được tạo dáng trang trí họa tiết hoa văn hình hai con rồng đối đuôi nhau, phía trên nắp bình trang trí hình chú nghê ngồi trên tòa sen cách điệu, phía dưới đáy tạo dáng 20 khía hình hoa súng, mặt trước và sau chạm khắc hình chữ thọ, viết theo thể chữ triện cách điệu.
Chiếc âu có niên đại thời Trần
Toàn bộ phần ngoài chiếc bình vôi được phủ tráng men màu xanh lam đẹp bóng mịn và tinh xảo mang đậm đặc trưng phong cách màu men và họa tiết trang trí hoa văn mỹ thuật thời Nguyễn. Chiếc bình vôi có kích thước cao 50cm, đường kính trên 30cm, đáy 18cm.
Chiếc tước uống rượu được trang trí họa tiết hoa văn hình lá sen lật ngược
Trong bộ sưu tập của thầy giáo Minh còn có 1 chiếc ấm có niên đại thời Lê, được chế tác bằng chất liệu gốm, mặt ngoài phủ lớp men mịn bóng màu xanh ngọc, vòi ấm tạo dáng trang trí hoa văn hình đầu rồng cách điệu; kích thước cao 18cm, đường kính miệng ấm 5cm, đế ấm 10cm.
Về chiếc âu hình tròn, niên đại thời Trần muộn, bằng chất liệu gốm cổ, phía ngoài tráng lớp men mịn màu nước dưa, không trang trí hoa văn. Chiếc âu cao 10cm, đường kính miệng 18cm, đế 6cm.
Chiếc ấm có niên đại thời Lê
Một chiếc tước uống rượu, có niên đại thời Trần, bằng chất liệu gốm cổ, được tạo dáng đẹp theo kiểu hình con chim vẹt, toàn thân phủ lớp men mịn màu trắng đục, mỏ và cánh men nâu đen, chân đế hình tròn, xung quanh trang trí họa tiết hoa văn hình lá sen lật ngược.
Ngoài ra, các nhà chuyên môn còn phát hiện chiếc thủy chùy bằng chất liệu gốm cổ thời Lê, một con vịt cổ có niên đại thời Nguyễn.
Nhóm hiện vật này được thầy giáo Minh lưu giữ cẩn thận
“Việc phát hiện các hiện vật nói trên giúp nhà nghiên cứu khảo cổ học và bảo tàng trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về sự phân bố các loại hình gốm sứ cổ và đồ đồng thời Trần, Lê, Nguyễn qua sự trao đổi, buôn bán, giao lưu trong cả nước với địa bàn Hà Tĩnh ở những thế kỷ trước”, ông Hạnh nhấn mạnh.