Tái chế lốp xe ô tô cũ ở Quảng Ngãi: Nỗi lo ô nhiễm môi trường
Nhiều năm qua người dân ở thôn Hoà Bình, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi phải hít thở mùi cao su, từ các xưởng mua bán, tái chế lốp xe ô tô cũ.
Các nhân công đang tái chế lốp xe cũ không dùng bảo hộ lao động
Tại thôn Hòa Bình, lớp xe cũ được các chủ cơ sở thu gom khắp nơi đem về. Sau đó các nhân công đem cắt ra thành từng miếng tùy theo kích cỡ cho các vật dụng đã tính sẵn, như dép cao su hay chậu trồng cây, hoặc đem xay thành bột để bán cho các đại lý ở TP. Hồ Chí Minh. Rác thải vứt ngổn ngang, bánh xe cũ chất thành đống ở nhiều nơi. Nguy hiểm nhất, họ còn đem đốt các lốp xe cũ để lấy vòng sắt sử dụng lại hoặc bán. Khi đốt lốp xe, mùi hôi theo gió lan tỏa khắp nơi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhiều hộ dân trong khu vực.
Ông Nguyễn Đức Chu, Chủ tịch UBMTTQ xã Nghĩa Hòa cho biết: “Tại thôn Hòa Bình có khoảng 1.000 hộ, thì trong đó có đến 20% người dân làm nghề mua bán lốp xe cũ. Việc đốt lốp xe trước đây có xảy ra nhưng thời gian qua chính quyền đã kiểm tra chấn chỉnh. Tuy nhiên việc vứt rác thải từ lốp xe cũ ra khắp nơi rất nguy hiểm, mưa xuống, nước thải từ đây chảy đi các nơi ảnh hưởng đến nguồn nước.
Nhiều người dân cho biết, họ đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền xã về tình trạng ô nhiễm này. UBND xã đã cử lực lượng xuống kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở các chủ cơ sở tái chế lốp và xử phạt hành chính đối với một số cơ sở nêu trên. Thế nhưng, nghề này đã trở thành vấn đề mưu sinh của nhiều hộ dân, họ vẫn tiếp tục đốt lén lút.
Ông Dương Văn Quyết, thôn Đông Hòa, người có 4 năm làm nghề tái chế lốp xe cho biết: “Nghề tái chế lốp xe này có từ trước hồi giải phóng tới giờ, làm công việc này trung bình mỗi ngày công nhân kiếm được từ 300 đến 400 ngàn đồng/người, thu nhập cao hơn so với làm hoa màu. Trung bình một lốp xe cũ có thể tái chế cho ra hơn 20 đôi dép và xay thành hạt bán cho các thương lái. Biết độc hại nhưng mọi người vẫn làm để lo kinh tế gia đình”.
Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Bí thư xã Nghĩa Hòa cho biết, nghề tái chế lốp xe cũ, do người dân chủ yếu làm thủ công nên có gây ô nhiễm cho các thôn, làng ở gần. Chính quyền xã thường xuống kiểm tra, yêu cầu phun thuốc khử trùng tiêu diệt mầm bệnh, đồng thời xây dựng đề án quy hoạch một khu tập trung các cơ cơ sở tái chế lốp xe cũ.
Thế nhưng dự án trên không biết đến khi nào mới triển khai, trong khi đó hằng ngày người dân trong khu vực vẫn lo lắng sống chung với môi trường ô nhiễm từ nghề nói trên.