Chưa thống nhất nghi lễ truyền thống và tục hiến sinh

Phúc Duy 03/07/2015 10:13

Ngày 2-7, Bộ VHTT&DL tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015 tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Điều nhìn thấy rất rõ là nhiều hạn chế từ những mùa lễ hội trước vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Lễ hội chém lợn Ném Thượng gây tranh cãi hồi đầu năm nay

Những hạn chế của mùa lễ hội năm 2015 chủ yếu là tình trạng lộn xộn, chen lấn giẫm đạp, đốt vàng hương bừa bãi, tổ chức hàng quán tràn lan, đổi tiền lẻ, tiền công đức để không đúng nơi quy định… Trong khi đó, tranh cãi về các tục đâm trâu, đập đầu trâu, chém lợn bắt đầu được đẩy lên cao trào với nhiều ý kiến trái chiều. Đáng nói, ở thời điểm ban đầu, các ý kiến phê phán nghi thức đâm trâu, chém lợn chủ yếu tập trung vào góc độ phản cảm, gây tác động tới nhận thức của giới trẻ... Đặc biệt ở mùa lễ hội 2015, vấn đề này đã gây phẫn nộ dư luận với các màn ẩu đả, đánh lộn liên quan tới nghi thức tại một số lễ hội như Hội Gióng Sóc Sơn với màn cướp hoa tre hay Hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ) khiến nhiều người bị thương do tranh cướp... Như vậy, câu chuyện không còn dừng ở nghi thức liên quan tới động vật, mà liên quan tới cả sự an toàn của khách hành hương, đòi hỏi phải có sự can thiệp mạnh tay của nhà quản lý.

Tại Hội nghị lần này, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL rất bức xúc với những tục lệ hiến sinh gây bức xúc dư luận thời gian qua: “Phải cho kháng sinh liều cao có lẽ mới xử lý dứt điểm được những tục lệ còn tồn tại với nhiều hủ tục kể trên”- ông Hoàng Tuấn Anh gay gắt. Ông Nông Quốc Thành, đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết: Thời gian qua, dư luận xã hội, các cơ quan truyền thông đã liên tục đề cập tới vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội cổ truyền theo hướng tập trung phê phán các hiện tượng được cho là “tiêu cực” của lễ hội, mà thiếu sự nhận diện sâu sắc và phản ánh đầy đủ những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc liên quan đến lễ hội, cũng như những lớp tín ngưỡng dân gian và văn hóa tâm linh được tích hợp trong các nghi thức của lễ hội truyền thống.

Ông Thành đề xuất, việc thiếu quan tâm quảng bá rộng rãi các mặt giá trị lịch sử văn hóa trong lễ hội mà chỉ khai thác những yếu tố mang tính “giật gân” cho thấy cần nhiều hơn nữa các giải pháp nâng cao nhận thức đông đảo người dân và định hướng truyền thông trong hoạt động quảng bá, tuyên truyền các giá trị của lễ hội.

Hiện tượng chen lấn diễn ra tại lễ hội Yên Tử 2015

Theo TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, với tục lệ hiến sinh, điều quan trọng là không nhân rộng mô hình lễ hội từ địa phương này sang địa phương khác. Đặc biệt, một số nghi lễ hiến sinh cần được tổ chức tế nhị và có văn hóa trong một không gian nhất định. Ông Sơn đưa ra ví dụ: Chọi trâu không phải vùng nào cũng có, nhưng bây giờ hàng chục lễ hội chọi trâu ra đời. Vì cơ chế thị trường tác động vào, ai cũng nghĩ đến lợi nhuận. Muốn tổ chức thì phải có giấy phép mới được mở hội, thứ hai là phải quy định chứ không phải cấm tất cả. Chỗ nào được chọi trâu, chỗ nào không thì phải vận động, theo quy định của Nhà nước… Ý kiến của TS Sơn nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu tham dự hội nghị.

Gìn giữ nghi lễ truyền thống của hội làng, của lễ hội hay bãi bỏ tục hiến sinh? Đây vẫn là câu hỏi gây tranh cãi ngay cả ở một hội nghị sơ kết cấp Bộ. Trước đó, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa từng cho rằng những nghi lế truyền thống vốn gắn với hội làng, gắn với sinh hoạt tín ngưỡng của một vùng, được thực hành thường xuyên trong cộng đồng cần được tôn trọng. Tại hội nghị này, đa phần các ý kiến cho rằng một số nghi lễ hiến sinh cần tổ chức tế nhị và có văn hóa hơn.

Trước đó, trước nhiều luồng ý kiến, dư luận xung quanh các lễ hội có những tập tục gây tranh cãi như “chém lợn,” “đâm trâu,” Bộ VHTT&DL yêu cầu các Sở VHTT&DL có trách nhiệm tham vấn ý kiến cộng đồng, tổ chức điều tra xã hội học, rà soát các lễ hội, đặc biệt là lễ hội còn duy trì các tập tục gây phản cảm đang được cơ quan truyền thông cũng như dư luận quan tâm. Đồng tình với quan điểm này, GS Trần Lâm Biền (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) cho rằng: Việc tiếp tục duy trì hay loại bỏ những lễ hội, nghi thức này, hãy tôn trọng ý kiến của cộng đồng dân cư bản địa.

Phúc Duy