Hôn nhân đồng giới và những cuộc xung đột
Việc Tòa án tối cao nước Mỹ mới đây quyết định hợp pháp hóa đám cưới đồng tính được nhiều người coi là một “chiến thắng” lịch sử, đặc biệt là những cặp đồng tính. Nhưng đối với nhiều người khác, ẩn sau quyết định đó là nhiều rủi ro và một cuộc chiến âm thầm mới chỉ vừa bắt đầu.
Những người phản đối hôn nhân đồng giới quyết bảo vệ giá trị truyền thống
Quyết định của Tòa án tối cao Mỹ hợp pháp hóa đám cưới đồng tính hôm 26-6 vừa qua không chỉ khiến cộng đồng người đồng tính ở nước này, mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới cho là “tín hiệu mới”, mang tính “cổ vũ tinh thần” cho những người đồng tính ở nhiều quốc gia, như Ireland, Canada, New Zealand, Nam Phi hay Argentina…
Tuy nhiên, như các hãng tin phương Tây dẫn lời một số chuyên gia phân tích, quyết định đó không phải là không có rủi ro. Theo ông Graeme Reid, chuyên gia về quyền của người đồng tính, ngày nay những câu chuyện lợi dụng vấn đề đồng tính để tạo lợi thế chính trị không còn xa lạ. CNN dẫn lời ông Reid cho rằng, quyền lợi của những người đồng tính, người lưỡng tính và người chuyển giới được một số chính trị gia ở nhiều nước sử dụng như một chiêu bài để tranh thủ sự ủng hộ, tạo lợi thế chính trị cho mình.
Ông Reid cũng đưa ra dẫn chứng về cựu Tổng thống Nigeria, Goodluck Jonathan, người từng sử dụng “đám cưới đồng tính” để tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng. Việc phục vụ cho lợi ích của mọi người, trong đó có người đồng tính không có gì là sai, nhưng vấn đề ở chỗ nó hoàn toàn có thể phục vụ cho mục đích chính trị; và sẽ rất nguy hiểm nếu như các tổ chức cực đoan hay khủng bố lợi dụng điều này. Điều đó là rất có thể xảy ra khi mà làn sóng ủng hộ đám cưới đồng tính, thúc đẩy quyền lợi của người đồng tính diễn ra ở rất nhiều nước như Malaysia, Ai Cập, Gambia, Nga…
Ngay với cả nước Mỹ, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, dù cho Tòa án tối cao có công nhận đám cưới đồng tính, nhưng “cuộc chiến” giữa quyền của người đồng tính và quyền tôn giáo mới chỉ là khởi đầu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, phát biểu sau khi Tòa án tối cao đưa ra quyết định, cũng cảnh báo những người đang ăn mừng quyết định này rằng nên nhớ còn nhiều người dân Mỹ phản đối đám cưới đồng tính “dựa trên tín ngưỡng sâu sắc và chân thành” của họ. Những tín ngưỡng đó, theo ông Obama, vẫn nên được tôn trọng và bảo vệ như một phần của “sự tự do tín ngưỡng” của nước Mỹ. Điều này có nghĩa, những người phản đối đám cưới đồng tính ở Mỹ không ít, và họ có quyền thể hiện thái độ phản đối của họ đối với các đám cưới đồng tính dù cho đã được Tòa án tối cao công nhận.
Điều này khiến người ta có thể dễ nhận thấy một cuộc xung đột về giá trị đạo đức, giữa một bên tổ chức đám cưới đồng giới theo đúng luật pháp nước Mỹ, bên còn lại vẫn theo các quy chuẩn đạo đức truyền thống. Điều này không phải chưa có tiền lệ khi hồi tháng 4 vừa qua, tiểu bang Indiana của Mỹ từng phải đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ chưa từng có sau khi thông qua “Luật khôi phục tự do tín ngưỡng”, gián tiếp hợp pháp hóa những hành vi kỳ thị người đồng tính, song tính và chuyển giới - gọi chung là LGBT - tại đây. Và đó mới chỉ là khởi đầu của một cuộc xung đột dai dẳng.
Bên cạnh đó, trong khi số phiếu bầu cho thấy đại đa số những người Mỹ theo tôn giáo ủng hộ đám cưới đồng tính, còn rất nhiều tổ chức - như Nhà thờ Công giáo, Liên hiệp các Hội thánh Baptist Miền Nam - không đồng tình với quyết định của Tòa án tối cao. Lãnh đạo từ các tổ chức này hôm 26-6 đã cam kết sẽ tìm các biện pháp pháp lý để bảo vệ đức tin của họ khỏi sự can thiệp của Chính phủ Mỹ.
Không phải chỉ có Giáo hội Công giáo e ngại Luật hôn nhân đồng tính đi ngược lại giáo lý mà không ít luật gia đã nêu lên những lắt léo, những tranh tụng về luật pháp có thể xảy ra, nếu Luật gia đình bị thay đổi với những khái niệm mới về hôn nhân đồng giới tính.
Đương nhiên ngay sau khi hợp pháp hóa đám cưới đồng tính, Mỹ cũng chỉ là một trong số 21 quốc gia có quyết định tương tự, trong khi rất nhiều quốc gia khác vẫn không công nhận hôn nhân đồng giới.
Pháp trước đây cũng từng gặp phải sự xung đột giá trị đạo đức tương tự như Mỹ hiện nay sau khi chính quyền Tổng thống Francois Hollande hồi năm 2012 đã đưa vào một luật mới, cho phép các cặp đôi đồng tính kết hôn và nhận con nuôi. Mười nghìn người theo đạo Thiên chúa đã xuống đường tuần hành phản đối quyết định này. Tổng giám mục ở Lyon nói rằng luật này có thể mở đường cho chế độ đa thê và tội loạn luân. Trong khi Hội đồng Hồi giáo của Pháp đã phản đối kịch liệt kế hoạch này, và nói rằng đám cưới đồng tính đi ngược lại “luật học của mọi người Hồi giáo”.
Bởi vậy, xung đột giữa những người ủng hộ hôn nhân đồng giới với những người theo xu hướng truyền thống có vẻ như khó có thể được dàn xếp, thậm chí ngay cả khi luật mới được chính quyền thông qua.
Linh Chi