Đà phục hồi rõ nét
6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,11%, cao hơn mức 5,18% của cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Giới chuyên gia lý giải, sự phục hồi của nền kinh tế một phần là do tổng cầu đã có chuyển biến tích cực, bên cạnh đó, chỉ số công nghiệp tăng cao và thị trường bất động sản - một trong những ngành xương sống của nền kinh tế đã có những khởi sắc rõ nét…
Những tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế thể hiện rất rõ nét
6 tháng đầu năm 2015, trong đà tăng GDP, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,16%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, dịch vụ tăng 6,18%. Bên cạnh đó, bất chấp giá xăng và giá điện đã “rủ nhau” tăng trong những tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng chỉ nhích nhẹ. Lạm phát, cho tới thời điểm này được các nhà kinh tế nhận định: Là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Những biểu hiện nói trên của nền kinh tế dường như đang bộc lộ rõ rằng, nền kinh tế đã kết thúc chu kì suy giảm và bắt đầu chu kì tăng trưởng mới.
Một con số cũng rất đáng chú ý được Tổng cục Thống kê công bố mới đây: Trong tháng 6, cả nước có 9.351 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 63,1 nghìn tỷ đồng, bình quân số vốn DN đạt 6,7 tỷ đồng. Như vậy, so với tháng trước, số DN thành lập mới tăng 19,6%; số vốn đăng ký tăng 10,9%; số vốn đăng ký bình quân một DN giảm 7,2%. So với cùng kỳ năm trước, số DN thành lập mới tăng 53,6%; số vốn đăng ký tăng 10%. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới tháng 6 là 133 nghìn người, tăng 46,9% so với tháng trước.
Về số DN quay trở lại hoạt động, chỉ tính riêng trong tháng 6, cả nước có 1.103 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1,4% so với tháng trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 45.406 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 282,4 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% về số doanh nghiệp và tăng 22,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm đạt 6,2 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Bình luận về những con số “đáng mừng” của nền kinh tế trong thời gian qua, TS. Trần Du Lịch- chuyên gia kinh tế khẳng định đó là những tín hiệu tích cực, cho thấy sự ổn định vĩ mô một cách vững chắc hơn của nền kinh tế. “Đây sẽ là nền tảng để GDP đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm nay”- TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Như vậy, có thể thấy, với sự kiên định trong mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, nền kinh tế đã và đang tiếp tục được phục hồi. Số DN thành lập mới và số DN quay trở lại hoạt động gia tăng cũng là minh chứng để thấy tình hình sản xuất, kinh doanh trong cộng đồng DN cũng có những cải thiện đáng kể. “Đây là một trong những điểm đáng được coi là thành công của nền kinh tế. Nguồn vốn đã được huy động, đà suy giảm đã được chặn lại”- TS Trần Kim Chung- Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định.
Tuy vậy, cũng cần phải nhấn mạnh, mặc dù đã có những cải thiện đáng ghi nhận, song nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi tham gia vào tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng do năng lực cạnh tranh thấp, thương hiệu sản phẩm yếu và uy tín DN chưa có nhiều cải thiện. Điều này đã được nhiều chuyên gia kinh tế và kể cả các nhà quản lý đã nêu lên trong kỳ họp Quốc hội Khóa XIII vừa qua.
Đặc biệt, theo đánh giá của giới chuyên gia, mặc dù tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2015 cao, nhưng nội lực vẫn chưa thật mạnh khi mà tăng trưởng GDP cao nhưng vẫn còn một số yếu tố kinh tế nền tảng chưa được cải thiện: Nền kinh tế vẫn nhập siêu trong nửa đầu năm tới 3,75 tỉ USD. DN trong nước xuất khẩu giảm trong khi khu vực FDI vẫn tăng trưởng xuất khẩu tới gần 16% trong nửa đầu năm nay. Rõ ràng hoạt động xuất khẩu của DN trong nước vẫn khó khăn và DN nội vẫn yếu thế hơn DN FDI. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản giảm tới 858 triệu USD trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước... Xuất khẩu nông thủy sản- một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế giảm là điều đáng quan ngại, cho thấy ngành “trụ đỡ” của nền kinh tế vẫn đang còn nhiều việc phải giải quyết.
Như vậy, tín hiệu nền kinh tế tăng trưởng là rõ ràng, nhưng vẫn cần sự thận trọng, bởi lẽ thách thức vẫn còn, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu.