Đâu phải phạt là xong
Chủ trương phạt người nói tục, chửi bậy chốn Thủ đô văn minh, thanh lịch đang là câu chuyện khiến nhiều người quan tâm. Làm trong sạch môi trường văn hóa bắt đầu từ lời nói - được như vậy là mong muốn quá mỹ mãn. Nhưng điều khiến nhiều người quan tâm nhất hiện nay là phạt như thế nào để thực sự nâng cao ý thức tự giác trong văn hóa ứng xử của những người sống ở Hà Nội?
Khách du lịch nước ngoài thư giãn trên phố cổ Hà Nội
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa quả quyết cho rằng, trong số hơn 8 triệu người đang sinh sống ở Hà Nội hiện nay, người “Hà Nội gốc” chỉ chiếm một phần rất ít. Quá trình phát triển đô thị, cộng với lượng người nhập cư tăng nhanh hàng năm, khiến cho văn hóa Thủ đô ngày càng biểu hiện rõ sự giao thoa, lai tạp văn hóa các vùng miền. Mà phàm sự vận động, phát triển luôn phải chấp nhận tính “2 mặt” của một vấn đề. Có cái hay, cái dở - đó là điều không thể tránh khỏi.
Do đó, những qui chế, chủ trương của thành phố, nhằm xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch chính là những nỗ lực nhằm xây dựng và hoàn thiện môi trường văn hóa Thủ đô. Nhưng đã từng có những chủ trương đại loại như ở trên triển khai kiểu “đánh rắn giữa khúc”, khiến người ta không thể không nghi ngờ về tính thực tế của việc phạt những người nói tục, chửi bậy sắp tới. Đơn cử như năm 2003, UBND TP Hà Nội cũng ra một qui định phạt người cởi trần, mặc quần áo lót ra đường phố. Còn nhớ khi ấy Hà Nội thành lập 20 tổ liên ngành kiểm tra nếp sống văn minh đô thị, bắt đầu hoạt động từ 1-9-2003, nhưng rồi hầu như chỉ bị nhắc nhở thay vì phạt tiền như quy định. Hầu hết người vi phạm đều nói rằng họ không nắm rõ về qui định này. Nhưng thật ra đó không phải là những qui định mới tinh, tất cả đã được nêu trong Nghị định số 49/CP năm 1996, Nghị định 46 và 47 năm 2001. Vậy nhưng không phải ai cũng biết.
Ấy là chưa kể đến những phát sinh trong quá trình thực hiện. Rằng khách du lịch nước ngoài đến Hà Nội thường ăn mặc rất “mát mẻ”. Nữ du khách thường chỉ vận áo hai dây và quần/ váy ngắn, rất ngắn dạo phố… Vậy phải xử phạt ra sao?!
Ở thời điểm này, mạng xã hội đã giúp cho cộng đồng sớm biết đến chủ trương sắp phạt người nói tục ở Hà Nội. Song vấn đề hiện nay là thành phố chưa có văn bản chính thức, lại càng chưa có chế tài xử phạt. Vì thế nhiều người băn khoăn lắm lắm rằng nhà chức trách sẽ phạt ai? Ai là người đi phạt? Phạt như thế nào? Căn cứ vào đâu để phạt vì nói tục cũng rất là… vô cùng. Phạt ta rồi có phạt Tây đang du lịch ở ta mà cũng chửi bậy không?
Gốc rễ của vấn đề vẫn nằm trong nề nếp, truyền thống của mỗi gia đình. Nếu phạt chỉ bằng tiền để rồi kỳ vọng Hà Nội sẽ không còn người nói tục, chửi bậy, e sẽ phải mất rất nhiều thập kỷ nữa. Vì thế mà việc bàn về văn hóa ứng xử của người Hà Nội hôm nay, sẽ còn tốn rất nhiều giấy mực.