Nên có nhà hát riêng cho thiếu nhi
Nhiều năm trở lại đây, những hoạt động về văn hóa - nghệ thuật dành cho thiếu nhi có phần đi xuống, kém khởi sắc. Để vực dậy phong trào này, để trẻ em có thêm sân chơi bổ ích và rèn luyện tài năng nghệ thuật, nhiều chuyên gia và nghệ sĩ cho rằng nên có những nhà hát riêng dành cho thiếu nhi.
Nhóm kịch “Bầu trời xanh” biểu diễn tại Đại hội Hội sân khấu TP.HCM
Trao đổi với chúng tôi, nhạc sĩ Khánh Vinh - Ủy viên Ban chấp hành Hội Âm nhạc TP.HCM cho rằng: “Xây những nhà hát riêng cho thiếu nhi là một ý tưởng hay và nên có không chỉ ở các thành phố mà cả ở các làng quê cũng nên có nhà hát riêng cho thiếu nhi. Hiện nay, tôi có cảm giác là chúng ta đang lãng quên về thiếu nhi. Các phương tiện truyền thông ít dành sự quan tâm cho thiếu nhi, những giờ đẹp trên truyền hình không dành cho thiếu nhi. Nhạc thiếu nhi cũng ít hơn trước. Do vậy, việc ra đời nhà hát như thế này là cần thiết, càng ngày càng cần”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM cũng cho rằng việc làm nhà hát cho thiếu nhi là thực sự cần thiết. “Chúng ta hiện ít có nơi dành cho sân khấu thiếu nhi, các vở kịch, các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi, các nhà văn hóa thiếu nhi cũng ít. Làm nhà hát để có chỗ hoạt động cho thiếu nhi. Mỗi quận nên có một nhà hát, sân khấu nhỏ. Ở các thành phố lớn, như TP.HCM thì nên có một nhà hát lớn dành cho thiếu nhi. Cần rải đều ra, không nên tập trung vào một chỗ”- ông Thạch nói. Bà Hồng Dung - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM cho biết bà từng ấp ủ về ý tưởng xây dựng nhà hát cho thiếu nhi cho cho TP.HCM. “Sân khấu thiếu nhi hiện chưa có đề án riêng,nhà hát thiếu nhi cũng chưa có, nhưng ở TP.HCM có những nhóm kịch thiếu nhi riêng của các nghệ sĩ. Chúng tôi cũng có một nhóm kịch là con em của các nghệ sĩ là nhóm “Bầu trời xanh” và chúng tôi đang tìm điểm diễn cho nhóm. Chúng tôi đang có ý định tập trung các nhóm lại vào dịp hè để có chương trình chung. Đó sẽ là tiền đề cho hình thức hoạt động của nhà hát thiếu nhi sau này, nếu nó được xây dựng, sẽ là nơi diễn xuất cho các em”- bà Dung chia sẻ.
Theo nhiều nghệ sĩ, chuyên gia văn hóa, việc ra đời của nhà hát thiếu nhi sẽ mang lại nhiều lợi ích, ý nghĩa to lớn. Đây sẽ là nơi tập hợp thiếu nhi để vừa biểu diễn nghệ thuật cho các em vừa đào tạo. Nếu xây dựng các nhà hát này ở các thành phố thì nên kết hợp với các nhà văn hóa thiếu nhi để phát triển phong trào mạnh mẽ. Theo bà Hồng Dung, nhà hát thiếu nhi sẽ tạo ra hoạt động sân khấu riêng cho thiếu nhi. Nó sẽ là rường cột cho sân khấu, giúp chăm chút cho các em thiếu nhi có đam mê và theo nghệ thuật không đi chệch hướng. Ngoài việc rèn luyện tài năng, nó sẽ giúp cho các em có tư thế nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu.
Nhà hát thiếu nhi mang tính cộng đồng, tính quần chúng nên sẽ khác nhà hát chuyên nghiệp. Do vậy, Nhà nước và xã hội phải hỗ trợ. Đây sẽ là nơi giáo dục văn hóa, nghệ thuật và thể chất cho thiếu nhi.